TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 311050
  TÀI LIỆU KHCN

  Đắk Nông: Làm giàu từ nấm
22/05/2014

Mong muốn làm giàu, nhưng diện tích đất của gia đình ít, không đủ để trồng trọt và chăn nuôi. Chính vì vậy, mô hình trồng nấm chi phí thấp, chiếm it diện tích đất mà mang lại giá trị kinh tế cao là giải pháp của vợ chồng anh Hoàng Đức Hòa và chị Nguyễn Thị Toan ở thôn 12, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

 

Tham quan trại nấm của anh Hòa, được tận mắt chứng kiến quy mô khoa học và hết sức sáng tạo của anh chị. Để đạt được thành quả như thế, anh Hòa và chị Toan đã phải nỗ lực vươn lên, vượt qua không ít khó khăn. Nhìn cây nấm trắng muốt, vươn ra mạnh mẽ như minh chứng cho thành quả lao động đầy lỗ lực của gia đình anh.


Anh Hòa cho biết: “Tình cờ trong một lần xem ti vi, tôi thấy mô hình trồng nấm rất dễ thực hiện, trong khi hiệu quả kinh tế cao, nên tôi bàn với vợ trồng thử, để vừa có việc làm vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình”.


Vượt qua thất bại


Thời gian đầu, do không nắm vững kỹ thuật nên mô hình đã bị thất bại, tỷ lệ nấm ra ít, tiền thu được từ mô hình không bù đủ vốn bỏ ra. Mặc dù vậy, không nản lòng trước thất bại, anh Hòa khăn gói về thành phố Buôn Ma Thuật học nghề và đăng ký tham gia các lớp tập huấn do cơ quan Khuyến nông huyện, tỉnh tổ chức với hy vọng áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm của gia đình. Bên cạnh đó, anh đã bỏ rất nhiều công sức tìm hiểu các giống nấm có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, dành nhiều thời gian tìm đến các thị trường cung cấp giống nấm trong và ngoài tỉnh để chọn mua những loại giống tốt, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh.


Vụ trồng thử nghiệm lần thứ hai, cây nấm rơm đã tỏ ra thích nghi với khí hậu mát mẻ nơi đây nên phát triển rất tốt, cho năng suất cao và bán rất được giá. Từ đó, anh mạnh dạn vay 150 triệu đồng để đầu tư mua nguyên vật liệu, xây dựng hệ thống trại trồng nấm với 3 dãy nhà, mỗi dãy có chiều ngang 3m, dài 30m để trồng 3 loại nấm - chủ yếu là nấm mộc nhĩ (tai mèo), nấm bào ngư và nấm rơm.

 

Chị nguyễn Thị Toan – vợ anh Hoàng Đức Hòa bên trại nấm bào ngư của gia đình

 

 

Thu nhập gần 300 triệu đồng từ trồng nấm

 

Với 3 trại nấm, mỗi trại rộng 90m2 anh Hòa bố trí như sau: Vụ 1 anh trồng nấm tai mèo, sau 3 tháng đã cho thu hoạch. Vụ 2 sau khi thu hoạch vụ 1 tận dụng lại nguyên liệu đóng bịch, hấp lại để cấy nấm bào ngư, thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch là 2 tháng và thu hoạch kéo dài trong 4 tháng. Sau khi thu hoạch nấm bào ngư nguyên liệu mùn cưa lại được tận dụng để cấy nấm rơm, sau 1 tháng cấy meo đã có thể cho thu hoạch. Với cách bố trí như vậy, mỗi năm chỉ cần mua nguyên liệu 1 lần có thể trồng được 3 loại nấm. Sau 3 vụ trồng, nguyên liệu có thể mang ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng.


Để xây dựng thành công mô hình, ngoài việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, anh Hòa thường xuyên tham quan các mô hình trồng nấm có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu cách xử lý, diệt khuẩn cho mùn cưa trước khi cấy giống bởi theo anh đây là cách thức chăm sóc để nấm sinh trưởng phát triển tốt.


Đến nay, qua gần 4 năm sản xuất, mô hình trồng nấm của gia đình anh đã gặt hái được một số thành công nhất định. Theo hạch toán của anh Hòa, trong năm 2013 anh thu được 2.000 kg nấm tai mèo, 1.200kg nấm rơm và 1.600kg nấm bào ngư. Với giá bán tại thời điểm đó là 100.000 đồng/kg nấm tai mèo, 15.000 đồng/kg nấm bào ngư và nấm rơm 60.000 đồng/kg. Như vậy anh có doanh thu 296 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 111.920.000 đồng, lợi nhuận từ mô hình là: 184.080.000 đồng/năm.


Có thể nói, nấm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe lại không sử dụng bất cứ hóa chất nào trong sản xuất nên người tiêu dùng rất yên tâm. Chính vì vậy mà sản phẩm của gia đình anh chị làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh. Anh Hòa cho hay: “Sản phẩm gia đình mình làm ra được các đại lý và chợ đầu mối trong huyện thu mua rất nhanh gọn với giá cả hợp lý nên nghề này chẳng lo lắng đầu ra cho sản phẩm”.



Kinh nghiệm sản xuất nấm


Khi được hỏi về kỹ thuật trồng nấm anh Hòa vui vẻ chia sẻ Kỹ thuật trồng nấm không phức tạp và khó như nhiều người nghĩ. Trồng nấm cần phải chú ý đến khâu kỹ thuật làm trại, đóng bịch cấy meo nấm, tưới nước, chăm sóc. Mỗi khâu đều phải ghi chép lại để hoạch toán. Trại nấm phải có chiều cao từ 3-4m trở lên, lợp bằng lá để giữ độ ẩm nhưng phải có độ thông thoáng, đảm bảo ánh sáng. Mật độ thích hợp là 65 - 70 bịch/1m2, bịch nấm được treo thành từng dây, 7 bịch/dây. Anh Hòa cho “bật mí”, “Cần lưu ý nhất là khâu vệ sinh, giữ cho trại thật sạch sẽ, vì cây nấm rất nhạy cảm với môi trường, nước tưới phải được khử trùng sạch cho cây nấm phát triển tốt, khi thu hoạch nấm, phải rửa tay sạch sẽ, hạn chế người và động vật vào trại”.


Được biết giá thể để trồng nấm là mùn cưa, để bảo đảm cho nấm phát triển tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được loại nguyên liệu mùn cưa giàu chất dinh dưỡng, độ xốp cao, tốt nhất là sử dụng mùn cưa của cây cao su. Sau đó phải xử lý tốt khâu vệ sinh, sát trùng bằng cách sàng lọc các tạp chất trong mùn cưa, vào bịch và cho vào lò hấp sát trùng, tạo độ ẩm cần thiết trước khi cấy meo nấm, khi cấy meo vào bịch phải đảm bảo an toàn vệ sinh, dụng cụ không bị nhiễm khuẩn. Công đoạn tiếp đến là đem bịch nấm đã cấy meo vào trại, treo lên thành giàn rồi chờ thu hoạch. Việc giữ nhiệt độ trong nhà nuôi nấm cũng rất quan trọng, nhiệt độ tốt nhất là từ 15 – 33 độ C.


Đối với nấm tai mèo kể từ khi cấy meo đến khi thu hoạch là 3 tháng, thu hoạch 1 lần. Trước khi thu hoạch ngừng tưới nước 15 ngày để nấm tự khô. Đối với nấm bào ngư từ khi cấy meo đến 2 tháng sau thì nấm bắt đầu cho thu hoạch và có thể thu hoạch liên tiếp trong 4 tháng liền. Trong thời gian ấy, thường xuyên quan sát, theo dõi nấm để có biện pháp tăng hay giảm độ ẩm nhằm chống hiện tượng thối thân nấm. Đối với nấm rơm từ khi cấy meo đến khi thu hoạch là 1 tháng.


Nghề trồng nấm không tốn nhiều công chăm sóc như nhiều loại cây khác nên người trồng nấm có nhiều khoảng thời gian nhàn rỗi hơn so với sản xuất các loại cây trồng khác.


Nhờ có lòng kiên trì và ý chí quyết tâm mà vợ chồng anh Hòa và chị Toan đã thành công nhờ mô hình trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đồng thời, anh chị đã giải quyết việc làm theo thời vụ cho 5 lao động nông thôn tại địa phương với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày/người. Dự kiến trong thời gian tới gia đình anh chị sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 trại trồng nấm nữa để tăng thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.


Ông Phạm Mạnh Hùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk RLa cho biết, mô hình trồng nấm tai mèo, nấm bào ngư và nấm rơm của gia đình anh Hòa và chị Toan là một mô hình làm ăn rất hiệu quả và khoa học. Sự thành công của mô hình này sẽ mở ra một hướng làm kinh tế mới cho người dân nơi đây.


 Bà con có nhu cầu trồng nấm hay tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng nấm, có thể liên hệ với anh Hoàng Đức Hòa theo địa chỉ: Thôn 12, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Điện thoại: 0973.383.449.

Theo Hoàng Thị Thanh Huyền - Trung tâm KNKN tỉnh Đắk Nông ngày 20/5/2014
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu