TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310673
  TÀI LIỆU KHCN

  Bắc Ninh: Làm giàu từ vùng đất trũng
16/09/2014

Bình quân mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng từ nuôi cá, đó là kết quả mô hình nuôi cá thâm canh của gia đình anh Ngô Xuân Trường ở thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Nhắc đến anh, người dân trong xã ai cũng biết anh là một người sáng tạo, ham học hỏi mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

 

Sau nhiều năm làm nghề lái xe tải tích luỹ được số vốn nhất định, anh Trường quyết định bỏ nghề để thực hiện ý tưởng của mình là làm giàu tại quê hương. Anh Trường tâm sự: “Thời gian đầu, khi mình có ý định làm trang trại, gia đình, bạn bè đều phản đối. Mọi người bảo, nghề lái xe kiếm ra tiền, nhiều người muốn chẳng được, lại về quê làm trang trại làm gì cho lam lũ, nhưng mình lại nghĩ khác, làm trang trại tuy lúc đầu vất vả nhưng được cái thoải mái”.


Nghĩ là làm, năm 2005, anh Trường mạnh dạn đấu thầu thuê 3 ha ruộng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh của thôn với thời gian 20 năm. Trang trại của anh được bố trí thành 4 ao to (mỗi ao có diện tích 5.000m2) nuôi cá truyền thống như: rô phi đơn tính, trắm, chép, và 3 ao nhỏ (mỗi ao có diện tích 1.000m2) chuyên ươm nuôi cá giống để phục vụ tại chỗ cho gia đình. Phần diện tích còn lại là bờ trồng cỏ bấc, chuối và hệ thống chuồng trại…

 

Anh Ngô Xuân Trường cho cá ăn.


Được cán bộ khuyến nông của huyện, của tỉnh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, vừa làm, anh vừa học tập qua tài liệu áp dụng vào thực tế, đồng thời luôn tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên nhiều năm qua việc nuôi cá của gia đình anh luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một năm anh thu hoạch trên 20 tấn cá, ước tính doanh thu khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.


Anh Trường chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi cá thâm canh là nuôi cá mật độ cao, nhưng phải bảo đảm được cả hai mục tiêu năng suất và chất lượng. Do vậy để nuôi cá thâm canh đạt hiệu quả thì khâu quan trọng nhất là tính được cơ cấu, mật độ đàn cá phù hợp, chọn đối tượng nuôi chính phải chiếm 50% tổng đàn cá thả vào ao”.


Theo anh Trường, để áp dụng thành công mô hình này đòi hỏi phải có điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật cao hơn nuôi cá kiểu truyền thống. Diện tích ao thả cá phải xa khu dân cư để hạn chế tối đa ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt và chăn nuôi, bờ thông thoáng, nguồn nước sạch và có hệ thống quạt nước tạo sóng để cung cấp thêm oxy hoà tan vào trong ao nuôi. Định kỳ dùng vôi bột cải tạo đáy ao và môi trường nước, duy trì mực nước ổn định, ao nuôi bảo đảm luôn có màu lá chuối non. Để có nguồn cá giống chất lượng tối ưu, anh đã tìm đến Viện Nghiên cứu NTTS 1 để đặt giống cá rô phi đơn tính và một số loài cá khác như chép lai V1, về thả với mật độ trung bình 2,5 con/m2.


Cũng theo anh Trường, vào những tháng thời tiết nắng, ấm thì cá phát triển bình thường (6 tháng có thể cho thu hoạch), vào mùa đông, cá phát triển chậm hơn, nếu không có biện pháp chăm sóc cá thì không thể thu hoạch 2 vụ 1 năm. Để làm được điều này, cần phải có ao gối cá giống, bên cạnh đó cần theo dõi thời tiết thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý không để thiếu hoặc thừa thức ăn.


Anh Trường cho biết: “Mỗi ngày, tôi cho cá ăn làm 2 lần (sáng 7-8 giờ, chiều 16-17 giờ), lượng thức ăn được điều chỉnh theo các giai đoạn phát triển của cá, nhưng buổi sáng cho ăn nhiều hơn, vào buổi chiều, nếu quan sát thấy trời lặng gió, khí hậu oi bức thì cho ăn ít hơn, thậm chí không cho ăn hoặc bật máy quạt nước. Bởi nếu ăn quá no kết hợp với thời tiết bất lợi thì nó sẽ “trả thù ông chủ ngay”. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá rô phi đơn tính đạt trung bình 0,8 kg; chép 1,5 kg; trắm 3,0 kg và mè 3,5 kg. Năng suất đạt 12 tấn/ha”.


Đạt được thành công như hôm nay, những năm qua anh Trường đã luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, các cấp, các ngành tổ chức và không ngừng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.


Anh Ngô Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh cho biết: “Anh Trường là một trong những người rất chịu khó, năng động. Từ mô hình của khuyến nông triển khai, anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật tại gia đình, nên mô hình luôn thành công và cho hiệu quả cao”.

Không dừng lại ở đó, anh Trường dự định trong thời gian tới sẽ thuê thêm 7,5 mẫu ruộng trũng để thả cá lúa. Sau gần 10 năm xây dựng trang trại, đến nay gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang, mua được ôtô con, cùng với một số vốn kha khá đủ để nuôi 3 đứa con ăn học. Gương làm giàu của anh Ngô Xuân Trường với mô hình trang trại thu nhập cao của gia đình anh xứng đáng là điểm sáng để bà con địa phương tham quan học tập./.

Nguyễn Thị Hoài - Trung tâm NKN Bắc Ninh
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu