TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 341212
  TÀI LIỆU KHCN

  Nuôi thành công cá Chiên ở lòng hồ Sơn La: Nghề mới, cơ hội mới cho nông dân
27/01/2015

Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg (nhiều tài liệu ghi 90kg). Đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, dùng để tiến vua... Rất nhiều người đã tốn bao công sức để thuần hóa loài cá này, nhưng đều thất bại. Câu chuyện nuôi cá Chiên tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

                           

           Trại cá Sa Thư khu vực bản Pá Uôn, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) đã nuôi thành công cá chiên.

Đưa “chúa tể” vào ao nhà

Cách đây khoảng 1 tháng, tình cờ làm khách mời tại một nhà hàng chuyên về hải sản ở Hà Nội. Điều khiến chúng tôi tò mò chính là thực đơn của nhà hàng: “Cá chiên nhiều món” có thêm dòng chú thích (cá nuôi ở lòng hồ thủy điện Sơn La). Tò mò bởi đây là giống cá hoang dã, chuyên sống ở dưới các lòng sông, nguồn cung cấp khá ít, chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên và phải về tận Thủ đô mới được thưởng thức cá Chiên Sơn La.

Từ địa chỉ của chủ nhà hàng cung cấp, chúng tôi đã có mặt tại Trại cá Sa Thư ngay trên lòng hồ thủy điện Sơn La, dưới khu vực cầu Pá Uôn, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai). Điều khá bất ngờ bởi người nuôi thành công loài cá được mệnh danh là “thủy quái” lại là “dân ngoại đạo của ngành thủy sản”. Ông tên là Lường Văn Ngoa, nguyên cán bộ ngành xây dựng. Trại cá của ông Ngoa nằm giữa lòng hồ thuộc điểm di vén của bản Pá Uôn. Với quy mô 16 lồng, ngoài việc cung cấp cá thịt các loại ra thị trường, trại cá còn là nơi chuyên cung ứng cá giống, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho người dân trong vùng..

Kể về duyên cớ  đến với nghề này, nhất là với loài cá chiên, ông Ngoa cười: Tôi thường có thú đi câu cá sông, đã chứng kiến người dân lòng hồ đánh bắt nhiều loài cá, trong đó cá chiên được săn lùng nhiều nhất. Hỏi ra được biết đây là loài cá được các nhà hàng dưới xuôi tìm mua với giá cao và cá càng to càng có giá; khi lên mâm giá còn đắt hơn cả cá hồi. Chính vì thế dân chài lưới đã sử dụng đến cả kích điện, mìn tự chế để săn tìm loài cá quý này. Lúc đó tôi nghĩ sao không nuôi thử... Tình cờ một lần trên kênh VTV2  phổ biến kỹ thuật nuôi cá chiên lồng tại tỉnh Thanh Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao thôi thúc tôi đến với loài cá này. Sau khi nghỉ chế độ tôi đã học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng từ sách báo, từ những người có kinh nghiệm. Ban đầu đi thu gom cá từ tự nhiên với đủ kích cỡ, trọng lượng khác nhau về nuôi. Tuy nhiên, tỷ lệ cá sống không cao. Sau gần 2 năm mày mò, tôi cùng con trai đi một số tỉnh tham quan mô hình nuôi cá chiên rồi mua giống về nuôi. Tôi đã mời một kỹ thuật chuyên về thủy sản chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chiên. Thật bất ngờ, với lượng cá giống ban đầu trọng lượng mỗi con từ 50gam-100gam, mỗi lồng thả 200 cá giống; sau 1 năm đã đạt trọng lượng trung  bình 2kg mỗi con (theo kỹ thuật nuôi thì phải 2 năm mới được 2kg), tỷ lệ sống đạt 95%. Giá bán tại lồng dao động từ 430.000 đồng đến 450.000 đồng/kg, còn ngoài thị trường là 600.000 đồng/kg. Hiện tại, lứa cá này đã đạt trọng lượng trên 2kg mỗi con và   đã được các nhà hàng đặt hàng sẵn từ trước. Sau đợt này, nếu huy động đủ vốn, tôi sẽ nuôi 10 lồng cá chiên và tăng số lượng cá nuôi trong mỗi lồng.

Hướng mở cho người nuôi cá

Qua câu chuyện của ông Lường Văn Ngoa có thể khẳng định việc nuôi cá chiên lồng là một nghề mới, không khó thực hiện và có thể nhân rộng ở Sơn La. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mới cho người dân sống ở vùng hồ Sông Đà hay các hộ thuộc diện di vén thủy điện Sơn La. Cái khó là người dân thiếu kỹ thuật nuôi, kỹ thuật phòng, bệnh cho cá.

Sau khi trại cá Sa Thư được hình thành, khu vực này cũng bắt đầu có nhiều người đã chuyển sang nghề nuôi cá lồng. Ngoài việc phát triển nghề nuôi cá lồng, Trại cá Sa Thư còn cung ứng cá giống các loại, tư vấn kỹ thuật cho người dân. Ông Lường Văn Ngoa cho biết thêm: Cái khó nhất là kỹ thuật thuần giống, công tác phòng, bệnh và vốn đầu tư. Hiện tại, thị trường đang khan hiếm và  không lo bị ép giá như các loài cá khác, giá trị kinh tế cao. Khi bán mà chưa được giá vẫn có thể để lại nuôi tiếp. Vì cá chiên trọng lượng càng lớn càng có giá và lượng thức ăn cũng như thời gian chăm sóc không tốn như các loài cá khác. Hiện tại, với phương châm lấy ngắn nuôi dài để tiến tới đầu tư chủ yếu vào cá chiên, tôi đã nuôi thêm cá nheo, trắm, chép, rô phi... Từ giờ đến tết, trừ cá chiên thì lượng cá thịt các loại xuất ra thị trường của trại cá dự kiến được 12 tấn.

Cách trại cá Sa Thư khoảng 100m là khu lồng cá của Hợp tác xã bản Pá Uôn và nhiều hộ dân trong vùng. Trong đó, có khu nuôi cá lồng của anh Lò Văn Quý. Hiện tại, anh đang tập trung nuôi trên 2.000 con cá nheo, có một lồng cá với 300 con đã đạt trọng lượng trên 1kg mỗi con và đã có rất nhiều tư thương đến đặt mua. Anh Quý cho biết: Ở đây người dân chủ yếu nuôi cá chép, trắm và nheo. Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư nuôi thêm cá chiên. Về giống và kỹ thuật sẽ do bên Trại cá Sa Thư cung ứng. Vừa rồi, toàn bộ số cá nheo của tôi và nhiều hộ trong vùng bị bệnh lở loét, nhờ có cán bộ kỹ thuật của Trại cá Sa Thư tới chữa bệnh bằng cách tắm thuốc cho cá. Chỉ 500 nghìn tiền thuốc và 5 ngày điều trị đã cứu được 4 lồng cá trị giá hàng trăm triệu đồng. Trước đây, mỗi lần cá bị bệnh phải lo bán tháo hay chấp nhận lỗ vốn khi cá chết, giờ thì thấy yên tâm hơn với nghề này khi đã biết cách phòng bệnh cho cá...

Hiện nay cá chiên đang bị khai thác quá mức dẫn đến ngày càng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt diệt bởi cách đánh bắt hủy diệt. Do vậy, giá thành của loài cá này khá cao. Trong khi thị trường tiêu thụ lại phụ thuộc nhiều vào nguồn đánh bắt từ tự nhiên. Thiết nghĩ, để bảo tồn được nguồn cá chiên ngoài tự nhiên và phát triển nghề nuôi cá chiên lồng thì cần hơn cả là sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn cho người dân. Nuôi cá chiên không chỉ gìn giữ được giống thủy sản quý mà còn giảm áp lực khai thác, giúp người dân thêm cơ hội phát triển nghề mới, vươn lên làm giàu chính đáng và giúp các địa phương phát huy được tiềm năng sẵn có...

Theo báo Sơn La
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu