TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310862
  TÀI LIỆU KHCN

  Hải Dương: Triển vọng nghề nuôi cá giòn ở Nam Tân
27/01/2015

Nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương hình thành cách đây khoảng 5 năm. Với sản lượng trung bình mỗi lồng đạt 5 tấn cá/năm đã đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho người nuôi. Từ năm 2011, khi các Dự án về nuôi cá giòn được triển khai ở địa phương, các chủ hộ được tập huấn kỹ thuật luyện cá nuôi thường (cá trắm và chép) thành cá giòn, đã giúp người dân nuôi hiệu quả hơn và nghề này ngày càng phát triển.

    Hiện nay, trên địa bàn toàn xã Nam Tân có 17 dự án nuôi cá lồng với trên 900 lồng cá, trong đó số lồng cá giòn chiếm 5%. Năm 2013, sản lượng cá lồng toàn xã đạt trên 3.500 tấn, chủ yếu là: diêu hồng, lăng, chép giòn, trắm giòn.

 Lớp nghiệp vụ khuyến nông thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Tựu ở xã Nam Tân

Ông Nguyễn Trung Tựu - Cựu Chủ tịch xã Nam Tân, nay là một trong số hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả trên sông Kinh Thầy cho biết: “Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá giòn đang mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân. Hiện tại, giá cá chép giòn dao động từ 130.000 – 145.000 đồng/kg, cá trắm giòn có giá khoảng 120.000 – 125.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn, người nuôi thu lãi từ 30 - 42 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá”.

Lợi nhuận cao như vậy nhưng không phải ai cũng nuôi được con cá chép giòn, trắm giòn đạt tiêu chuẩn vì nghề này rất công phu, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc đến phòng bệnh định kỳ... Từ giống trong ao ương đưa ra lồng nuôi phải lựa chọn những cá thể khỏe mạnh. Trong giai đoạn đầu cá được nuôi và cho ăn bình thường như các loại cá khác. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 2kg trở lên (khoảng 1 năm tuổi) sẽ chọn để đưa sang lồng nuôi thành cá giòn. Thức ăn để luyện cá thường thành cá giòn không gì khác ngoài đậu tằm. Nhưng để cá ăn được đậu tằm không bị chết lại đòi hỏi kỹ thuật, bởi thức ăn đậu tằm phải được ngâm nước muối sao cho đủ nước, thừa không được mà thiếu nước lại gây nguy hại rất lớn cho cá. Khi cá ăn phải đậu tằm ngâm chưa “no nước” cá sẽ bị trương bụng mà chết, còn đậu tằm thừa nước thì cá lại bị bệnh đường ruột.

Gặp gỡ và trao đổi với anh Nguyễn Thế Phước - một trong những chủ hộ nuôi cá chép giòn đầu tiên của địa phương, hiện tại gia đình anh đang nuôi 9 lồng cá giòn ghép giữa hai loại trắm và chép. Anh Phước cho biết: “Thời gian đầu khi bắt tay vào nuôi con cá đặc sản này quả thật khó khăn vì kỹ thuật chưa vững, đã rất nhiều mẻ cá anh nuôi không trở thành “giòn” được. Đến khi có nhiều Dự án triển khai ở địa phương hỗ trợ người nuôi một phần vốn để đầu tư cho giống, thức ăn, các cán bộ chuyên ngành thủy sản hỗ trợ về kĩ thuật... thì cá chép, trắm giòn mới được “trình làng” với đủ tiêu chuẩn về chất lượng, người nuôi chúng tôi chắc mẩm khoản lợi nhuận trước mắt. Trước đây, thời điểm những năm 2010 – 2011, nhiều tin đồn về cá giòn ăn vào sẽ có nhiều độc hại vì công nghệ làm “giòn cá” khiến người tiêu dùng tẩy chay cá giòn nên người nuôi được một phen điêu đứng. Thật may thay khi các cơ quan chuyên ngành đứng ra giải thích, phân tích trên báo chí thì nay, thực phẩm này lại là một đặc sản cho các quán ăn, nhà hàng nên chúng tôi mới khôi phục và phát triển được cá giòn”.

Anh Phước phấn khởi cho biết thêm, hiện tại gia đình anh đã không phải mua đậu tằm từ Trung Quốc nữa mà thuê đất trên miền núi trong nước sản xuất đậu tằm để làm thức ăn cho cá nên bớt được chi phí rất nhiều. Hiện tại, mỗi năm gia đình anh xuất bán trên dưới 30 tấn cá chép, trắm giòn.

Khi hỏi về kỹ thuật nuôi, anh cho biết : “Các loại cá để áp dụng nuôi lồng thì nhiều như rô phi, điêu hồng, lăng chấm, chép, trắm... Nhưng nuôi thành cá giòn thì chỉ áp dụng được 2 loại đó là trắm và chép. Để có một lứa cá giòn xuất bán phải mất một năm rưỡi đến hai năm. Trong đó, thời gian cho cá ăn đậu tằm để đạt độ giòn từ 5-7 tháng. Cứ 3 tháng, cá giòn sẽ được tẩy giun sán một lần. Mỗi tháng lại phải thịt thử để kiểm tra độ giòn của cá. Do việc nuôi cầu kỳ, tốn kém, thời gian lâu nên không phải chủ lồng cá nào cũng dám thử sức với sản phẩm “độc” này”.

Rõ ràng để biến từ cá thường thành cá giòn là cả một quãng thời gian dài, đòi hỏi các công đoạn, kỹ thuật công phu. Song, nếu chịu khó học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và tận tụy, thường xuyên quan tâm đến mỗi lồng cá nuôi thì ắt sẽ thành công. Đó là điều mà các chủ nuôi điển hình của xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã làm được. Giờ đây, họ đã là mô hình điểm, là “cái nôi” đào tạo hướng dẫn nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức. Hy vọng, cá giòn Nam Tân sẽ ngày một nổi tiếng hơn và trở thành thương hiệu khi kinh nghiệm đã nhiều, kiến thức ngày một nâng cao đối với người nuôi.

Trần Thị Liên-Trạm khuyến nông huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu