TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 341193
  TÀI LIỆU KHCN

  Hà Nội: Anh Hoạt “bê đực sữa”
30/03/2016
Trong dịp đến thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Hữu Hoạt (tại xã Phù Đổng – Gia Lâm – Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô trang trại của gia đình đôi vợ chồng trẻ anh Hoạt – chị Anh.    

Một khu trang trại rộng 7 ha gồm một bãi cỏ xanh mướt khoảng 2,5 ha; 03 dãy chuồng hai mái cao, thoáng mát có diện tích khoảng 1.500 m2, với quy mô 305 con bò sữa (trong đó 65 con bò cái sữa còn lại 240 con bê đực sữa) con nào con lấy lông da bóng mượt đang dào dào ăn cỏ. Với quy mô nuôi trên 300 con bò với một hộ chăn nuôi thì cũng đã là hiếm nhưng điều khác hẳn với các hộ chăn nuôi bò sữa khác ở đây là gia đình anh đi theo hướng “nuôi bê đực sữa lấy thịt”.

Khi được hỏi vì sao anh lại chọn hướng nuôi bò đực sữa lấy thịt, anh Hoạt vui vẻ tâm sự: vợ chồng anh trước đây kinh doanh, giết mổ bò. Sau nhiều năm anh rút ra kinh nghiệm bò đực sữa sơ sinh thường được bán với giá rất rẻ so với giá bê giống hướng thịt (giá bê sữa sơ sinh chỉ khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/con, trong khi giá bê giống hướng thịt lúc 4 – 6 tháng tuổi lên đến 12 triệu đồng). Trong khi đó nuôi bê đực sữa có khả năng sinh trưởng, phát triển không kém gì các giống bê thịt hiện nay ở cùng lứa tuổi. Khi mổ thịt thì tỷ lệ thịt loại 1 của bò sữa cao hơn nhiều so với bò thịt vì bò sữa có phần mông phát triển hơn bò thịt, lại không có u, yếm như bò thịt mà giá bán hơi của bò sữa và bò thịt là như nhau nên cánh lái buôn thường thích mổ thịt bò sữa hơn bò thịt. Do vậy, nuôi bê sữa lấy thịt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dám nghĩ dám làm, năm 2013 vợ chồng anh Hoạt nhập 40 con bê đực sữa sơ sinh từ TH true Milk về nuôi. Sau một thời gian, anh mới thấy để nuôi được bê sữa từ khi mới sơ sinh đến giai đoạn 4 tháng tuổi không hề đơn giản như anh nghĩ. Đàn bê nhà anh liên tục bị tiêu chảy, chi phí điều trị, thiệt hại bê chết ngày một nhiều hơn. Song với niềm đam mê với nghề, ham mê học hỏi và được các cán bộ Trạm Phát triển chăn nuôi Số 7 (thuộc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) tư vấn, anh dần rút ra được kỹ thuật nuôi bê sữa.

Anh Hoạt chia sẻ, để nuôi bê sữa giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi luôn khỏe mạnh thì nên sử dụng sữa bột thay thế, lượng nước pha sữa luôn phải đảm bảo thật sạch sẽ, nhiệt độ nước ổn định theo ngày và mùa khác nhau để bê tránh stress. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm vào thành phần sữa một lượng men tiêu hóa vừa đủ, Bcomplex giúp bê tăng cường sức đề kháng, tiêu hóa tốt. Khi bê được một tuần nên bắt đầu cho bê tập ăn cỏ phơi tái, đến tuần thứ hai cho tập ăn thức ăn tinh để kích thích hệ tiêu hóa của bê, giảm chi phí sữa bột. Từ 5 đến 18 tháng tuổi nên bổ sung thêm thức ăn ủ chua, bã đậu, bã bia. Trước khi xuất bán thì tiến hành vỗ béo bò đực sữa, trong giai đoạn này nên tăng cường khẩu phần thức ăn tinh. Anh nhấn mạnh thêm trong giai đoạn vỗ béo nên ăn bổ sung bã bia, bã đậu bò tăng trọng nhanh mà giá thành những phụ phẩm trên rất rẻ (chỉ khoảng 1.500 đồng/kg). Ngoài ra, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát, công tác vệ sinh chuồng trại, sát trùng tiêu độc, tiêm phòng cho đàn bê, bò luôn được thực hiện nghiêm ngặt.

Với kỹ thuật trên, đàn bò của anh ngày càng lớn nhanh, khỏe mạnh hơn. Bê 6 tháng tuổi, khối lượng thịt hơi bình quân 180 kg/con, đến khi xuất bán vào 21 tháng tuổi khối lượng bình quân đạt khoảng trên dưới 600 kg/con. Bên cạnh đó, gia đình anh Hoạt còn nuôi thêm 65 con bò cái sữa mà theo anh là để lấy ngắn nuôi dài, mỗi tháng nguồn thu từ sữa bò tươi anh đầu tư mua thức ăn cho cả đàn bò.

Về trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, gia đình anh đầu tư đồng bộ các trang thiết bị tiên tiến như hệ thống giàn phun mưa làm mát chuồng, máy cắt cỏ, máy thái cỏ, xe công nông chở cỏ, máy phối trộn thức ăn, xe vận chuyển thức ăn trong chuồng,… để từ đó giảm công lao động. Vì vậy, quy mô chăn nuôi lớn là vậy nhưng mọi công việc trong trang trại chủ yếu do vợ chồng anh ngoài ra anh chỉ thuê thêm 04 lao động ngoài để thực hiện các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng cho đàn bò.

Khi nói về hiệu quả kinh tế, anh Hoạt phấn khởi cho biết trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, thuê nhân công, khấu hao chuồng trại, thiết bị, nuôi mỗi con bò đực sữa gia đình anh có lãi khoảng từ 500 - 700 ngàn đồng/con/tháng. Ngoài ra anh còn tận dụng tính toán sử dụng nguồn chất thải, phân bò để trồng cây, trồng cỏ để tự cung tự cấp nguồn thức ăn tại trang trại. Chăm sóc tốt đàn bò sữa để hàng ngày có thu nhập đầu tư trở lại cho đàn bê đực sữa nuôi lấy thịt và còn để bán giống bê cái nhằm tăng thêm thu nhập. Tính ra trong mấy năm qua, mỗi năm thu nhập từ trại bò nhà anh được trên 01 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Quả thật một hiệu quả kinh tế đáng kể với một hộ chăn nuôi và đây cũng chính là kết quả dám nghĩ, dám làm và một hướng đi đúng.

Tiếng lành đồn xa, với hiệu quả kinh tế như vậy nên thời gian qua năm vừa qua trang trại của gia đình anh Hoạt đã đón rất nhiều bà con nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Như vậy, có thể thấy dù ngành chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở nước ta hiện nay đã và đang gặp không ít khó khăn về giá bò thịt, giá sữa tụt giảm, giá thức ăn tăng nhưng nếu người chăn nuôi tìm ra một hướng đi đúng thì vẫn có hiệu quả kinh tế cao.


Hiệu quả là vậy, nhưng về khó khăn tồn tại anh Hoạt cũng còn nhiều băn khoăn, trăn trở vì hiện nay tình hình chăn nuôi vẫn còn nhiều biến động, giá đầu vào còn cao trong khi đó đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Anh cũng chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Chưa đánh giá được chất lượng bò thịt nuôi từ bê đực sữa có gì khác với các giống bò thịt thông thường hiện có trên thị trường. Bên cạnh đó thời tiết khí hậu, diễn biến dịch bệnh cũng nhiều phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chăn nuôi nhất là chăn nuôi quy mô lớn như gia đình anh. Những khó khăn đó cũng chính là những mong muốn của anh với các cấp các ngành và các cơ quan chuyên môn để anh có bước đi bền vững và hiệu quả hơn.

Về định hướng thời gian tới anh vẫn tập trung đi theo hướng thu mua bê đực sữa để nuôi lấy thịt vì số lượng đàn bò sữa ở Việt Nam và TP Hà Nội đang được phát triển. Dự kiến tăng quy mô trang trại lên 400 con bò sữa, cung cấp giống bò sữa đực cho các hộ chăn nuôi, xây dựng một khu giết mổ bò đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng tốt cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố.

Hy vọng với lòng đam mê, gắn bó với nghề và có định hướng đúng anh Hoạt sẽ tiếp tục gặt hái những thành công với nghề “nuôi bê đực sữa lấy thịt” và sẽ giúp cho nhiều người chăn nuôi có thêm kinh nghiệm làm giàu từ nghề./.

Theo Nguyễn Thị Phương Thúy-Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu