TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310883
  TÀI LIỆU KHCN

  Bắc Giang: Tỷ phú miền đất vải thiều
20/06/2017

Ngày ông Trần Quang Sơn dắt díu vợ rời xa xóm làng lên mảnh đất heo hút ở xóm Lớ, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) giáp ranh giữa huyện Lục Ngạn với Lục Nam lập nghiệp, không ai có thể nghĩ rằng sau này vợ chồng ông lại gây dựng được trang trại vải thiều to đẹp mênh mông với nguồn thu đều đặn cả tỷ đồng/năm. Đúng là người yêu đất, đất chẳng phụ công người…

Những ngày đầu tháng 6, khi vụ vải chín sớm ở huyện Lục Ngạn bắt đầu sôi động, chúng tôi có dịp vào thăm trang trại vải thiều của vợ chồng ông Trần Quang Sơn, bà Hoàng Thị Ánh Tuyết ở xóm Lớ, thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An. Đây là trang trại to đẹp có một không hai ở mảnh đất bên dòng sông Lục hiền hòa.

Xởi lởi tiếp đón chúng tôi, ông Sơn phấn  khởi cho biết: “Trang trại này rộng 18 ha, trong đó có 6 ha vải thiều cho thu hoạch, hơn 1 ha bưởi Diễn Thành Cao, 1 ha cam Xoàn, 1 mẫu ao nuôi cá, còn lại là rừng kinh tế. Những năm qua, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng từ vải thiều, trừ chi phí đi còn lại 700 - 800 triệu. Năm nay, tình hình chung vải thiều bị mất mùa nhưng nhờ vườn bãi lớn nên tôi ước sản lượng vẫn đạt khoảng 15 tấn quả (giảm 45 tấn so với vụ trước), chủ yếu là giống vải chín sớm U hồng, lai Thanh Hà. Hiện gia đình đã thu hoạch được 2 tấn, bán với giá bình quân trên 35 nghìn đồng/kg, cao hơn 10 nghìn đồng/kg so với vụ năm 2016”.

Gia đình ông Sơn đang thu hoạch vải chín sớm

 

Tuy nhiên để có được trang trại to đẹp khang trang như bây giờ, vợ chồng ông Sơn đã phải đổ dồn vào đây rất nhiều tâm huyết và công lao động.

Ông Sơn tâm sự: “Mình từng là người lính cụ Hồ được rèn luyện trong quân ngũ từ năm 1983 đến năm 1985 thì ra quân trở về địa  phương. Do tôi và nhà tôi yêu nhau nhưng bị hai bên gia đình ngăn cản quyết liệt, nên chúng tôi quyết định rời làng đi vào xóm Lớ dựng lều lán, khai hoang mở đất để lập nghiệp. Tuy xóm Lớ chỉ cách trung tâm xã Mỹ An khoảng 3 km nhưng do cách trở dòng sông nên khi xưa nơi đây là khoảng rừng rất hoang vu, rậm rạp, ít người lui tới. Đúng là ban đầu chúng tôi đến với nhau chỉ có hai bàn tay trắng, ngay cả việc dựng cái lán, kê cái phản để nằm cũng bị người ta đốt, phá mất… Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là khi hai thằng con nhỏ lần lượt ra đời, nhưng rồi hai vợ chồng vẫn yêu thương nhau quyết tâm vượt lên tất cả”. Với ý chí nghị lực của người lính cùng niềm tin “ta yêu đất, rồi đất sẽ nở hoa và trả ơn mình”, cách đây 30 năm, vợ chồng ông Sơn đã tích góp gây dựng nên vườn vải thiều hàng trăm cây, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ số vải thiều ban đầu vợ chồng ông Sơn tích cực đẩy mạnh chăm sóc cho cây phát triển, một mặt thu hoạch quả bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống; mặt khác chiết cành nhân rộng ra đạt tới tổng diện tích 6 ha. Không những vậy, những năm gần đây, vợ chồng ông Sơn còn chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống vải của vườn nhà từ giống vải thiều chính vụ sang các giống vải chín sớm U Hồng, lai Thanh Hà bằng kỹ thuật ghép cành. Theo đó, trong tổng số 6 ha vải thiều ông Sơn chỉ còn giữ lại 30% giống vải thiều chính vụ, còn 70%  diện tích đã được chuyển sang giống vải chín sớm. Chính nhờ tư duy nhạy bén này đã góp phần làm cho vụ thu hoạch vải thiều của gia đình ông Sơn tăng từ 1 tháng lên 2 tháng, đồng thời giá trị thu hoạch/ha cũng tăng theo. Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, trang trại này đã mang lại nguồn thu cho gia đình ông Sơn từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng.

Nhờ giá trị kinh tế thu về từ cây vải thiều, từ chỗ cuộc sống cơ cực khó khăn, gia đình ông Sơn không chỉ có tiền chăm lo các con được ăn học đàng hoàng, đầy đủ mà ngay từ năm 2000, vợ chông ông Sơn đã có tiền mua được mảnh đất mặt đường ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam rồi xây nhà cho các con có chỗ ăn học. Đến năm 2005, ông Sơn lại có hàng trăm triệu đồng sắm xe ô tô tải vừa phục vụ cho nhu cầu của gia đình, vừa làm kinh doanh dịch vụ. Tiếp đó đến năm 2007, ông Sơn đã có tiền mua được ô tô con 7 chỗ để phục vụ cho nhu cầu đi lại của gia đình, đồng thời đầu tư cả tỷ đồng mua máy xúc.

Khi có phương tiện ô tô, máy xúc và kinh tế ổn định, gia đình ông Sơn đã tập trung cải tạo lại trang trại của gia đình mình khoa học hơn. Theo đó, phần đất trên đồi cao, gia đình ông dành để trồng rừng kinh tế; tiếp đến là diện tích trồng vải thiều; rồi bưởi Diễn Thành Cao, cam Xoàn; phần cuối cùng là diện tích ao nuôi cá và phục vụ nhu cầu nước tưới cây.

Tâm sự về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, ông Trần Quang Sơn cho biết thêm, cây vải thiều đã gắn bó với mảnh đất Lục Ngạn nói chung và gia đình ông nói riêng mấy chục năm qua. Nó đã trở thành một biểu tượng của quê hương và thực tế hiếm có cây ăn quả nào phù hợp với mảnh đất này, dễ chăm sóc mà lại cho sản phẩm thơm ngon như vải thiều.

“ Đối với gia đình tôi việc chăm sóc cây vải thiều để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao giờ không còn là chuyện khó. Có thể nói “mình đã hiểu cây và cây cũng hiểu người”. Bởi vậy, tôi thấy tiếc khi một số hộ đã phá vải thiều để trồng cây có múi. Riêng đối với gia đình tôi cách đây 3 năm cũng chỉ thực hiện trồng mới cam, bưởi ở phần diện tích đất khác chứ không phá vải thiều. Bởi chúng tôi vẫn tâm niệm rằng với trang trại này, cây vải thiều vẫn là cây chủ lực” – ông Sơn tâm sự.

Giờ đây, khi các 2 con trai của ông Sơn là Trần Quang Tuyên và Trần Quang Tuyến đã trưởng thành, cũng là lúc hai bên gia đình nội, ngoại cảm thông, không còn giận vợ chồng ông Sơn nữa. Theo đó, ông bà nội ngoại hai bên đã nhận các cháu, vì thế mà cuộc sống mới trở nên viên mãn.

Chia tay với gia đình ông Sơn, chúng tôi cảm phục ý chí vượt khó vươn lên trở thành tỷ phú của đôi vợ chồng nơi miền sơn cước này. Dường như tình yêu của họ dành cho nhau đã trở thành sức mạnh để vượt qua muôn vàn sóng gió, biến mảnh đất đồi cằn khô sỏi đá thành trang trại cây ăn quả có một không hai trên đất Mỹ An này./.

 

Ý chí vượt khó đã giúp ông bà biến mảnh đất đồi cằn khô sỏi đá thành trang trại cây ăn quả như ngày hôm nay

 

Nguyễn Đức Thọ, Đài truyền thanh Lục Ngạn – Bắc Giang
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu