TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310758
  TÀI LIỆU KHCN

  Bình Định: Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
27/07/2017

Đó là ông Lê Công Ửng ở thôn Hiệp Long - xã Cát Lâm - huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định. Nhờ khai thác tối đa lợi thế về đất đai của địa phương cộng với sự mạnh dạn, nhạy bén trong làm ăn, ông đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả và trở thành gương điển hình sản xuất phát triển kinh tế.

Sau 10 năm tham gia quân ngũ, năm 1994, ông Lê Công Ửng phục viên trở về địa phương để xây dựng kinh tế gia đình. Cuộc sống ban đầu của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn – nghề nghiệp, đất đai không có, các con đang còn nhỏ, mọi chi phí chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy sào ruộng lúa cha mẹ chia cho khi ra riêng. Với bản chất cần cù của một người lính được tôi luyện trong quân đội, ông Ửng luôn trăn trở tìm cách để đưa kinh tế gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Đang loay hoay tìm hướng đi riêng cho gia đình thì năm 1996, hợp tác xã nông nghiệp Cát Lâm bán thanh lý một số diện tích đất trồng điều kém hiệu quả. Sau khi bàn tính, vợ chồng ông đã vay mượn hơn 11 triệu đồng mua lại 5 ha đất đồi gò cằn cỗi với 230 gốc điều kém hiệu quả. Có đất – có cây, vợ chồng ông đã tập trung đầu tư chăm sóc như: tưới nước, bón phân, tỉa cành tạo tán… Nhờ đó, cây điều sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, nhận thấy đất đai ở địa phương thích hợp để trồng các loại cây trồng ngắn ngày và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây điều, ông đã mạnh dạn chặt bỏ một phần diện tích điều hiệu quả thấp để chuyển sang trồng dưa hấu. Đến năm 1998, khi Nhà nước triển khai thực hiện dự án trồng rừng, ông chặt bỏ dần cây điều để đầu tư trồng keo lai và bạch đàn. Năm 2000 toàn bộ 5 ha điều của gia đình ông đã được chuyển sang trồng rừng. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thích nghi với điều kiện đất đai ở địa phương nên diện tích rừng trồng của gia đình ông phát triển tốt và sau mỗi chu kỳ 5 đến 7 năm cho thu hoạch một lần. Với khoản lãi đầu tiên trên 80 triệu đồng/ha, ông đã trả hết tiền vay mượn và đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời, ông còn mua thêm 1,5ha đất, nâng tổng diện tích đất trồng rừng của gia đình đến nay lên 6,5 ha. Tất cả đều đã cho thu hoạch từ 2 đến 3 lứa. Hiện nay diện tích rừng trồng của gia đình ông có 3 ha là 4 năm tuổi, 2 ha là 3 năm tuổi và 1,5ha được 1 năm 4 tháng tuổi, hứa hẹn đến kỳ khai thác sẽ cho thu nhập đáng kể.

Ông Ửng đang phát dọn, chăm sóc diện tích rừng trồng hơn 1 năm tuổi

 

Ngoài ra, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông còn mua thêm 1 ha đất màu để trồng cây đậu phụng (lạc) và ớt, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Không những thế ông còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và diện tích đất trống sau khi thu hoạch cây trồng cạn để chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của ông có 9 con, không những tạo nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng mà mỗi năm số bê con đẻ ra ông còn bán được trên 30 triệu đồng. Nhờ đó, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông mỗi năm trên 160 triệu đồng. Ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền, lo cho các con ăn học đầy đủ và kinh tế gia đình ngày càng phát triển và liên tục trong nhiều năm liền, ông được bình chọn là cựu chiến binh sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Chưa bằng lòng với thực tại, với mong muốn tìm cho mình một hướng đi riêng bằng những cây trồng, vật nuôi mới, năm 2016, thông qua ủy thác của Hội Cựu chiến binh xã Cát Lâm, ông Ửng vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, cộng với nguồn vốn tích cóp của gia đình, ông đầu tư hơn 160 triệu đồng xây dựng chuồng trại và vào Phú Yên mua 9 con nai rừng về nuôi. Với bản tính siêng năng, cùng những kiến thức học hỏi được nên ông đã chăm sóc đàn nai phát triển tốt. Hiện có 2 con nai chuẩn bị cho thu hoạch nhung,1 nai đã chửa và ông cũng đã làm xong các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước để bán nhung nai, hứa hẹn cho thu nhập ổn định.

Ông Ửng đang chăm sóc đàn nai nuôi

 

Không những làm kinh tế giỏi, ông Lê Công Ửng còn tham gia tích cực các phong trào và hoạt động xã hội ở địa phương. Ngoài ra, là chi hội trưởng cựu chiến binh của thôn Hiệp Long, ông luôn suy nghĩ phải làm sao để giúp bà con trong thôn ngày một đi lên. Miệng nói tay làm, ông vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động nên bà con trong thôn rất nể phục và tích cực làm theo. Ngoài ra, ông cũng luôn quan tâm đến đời sống của hội viên, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững; thường xuyên xây dựng và duy trì quỹ hội để tổ chức thăm hỏi động viên và giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, các hội viên đều chấp hành tốt chính sách của nhà nước, hàng năm có 100% gia đình của hội viên đều đạt gia đình văn hóa./.

 

Trường Giang, Đài truyền thanh huyện Phù Cát - Bình Định
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu