TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310932
  TÀI LIỆU KHCN

  Đắk Nông: Trồng sầu riêng cho thu nhập cao
05/10/2017

Về vùng đất biên giới, thôn 8, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức hỏi thăm anh Mai Ngọc Yên, bà con ai cũng hết lời khen ngợi và thán phục. Từng tốt nghiệp trường đại học chuyên ngành hóa học nhưng với niềm đam mê nông nghiệp và ước mơ đưa sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, anh Yên đã mạnh dạn đầu tư trang trại trồng sầu riêng để phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng

 

 

Năm 2009, anh Yên bắt đầu mở trang trại với quy mô 3 ha, trồng các giống sầu riềng như Ri-6, Monthoong. Thời gian đầu, ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật trên sách báo, tạp chí, anh Yên còn đi nhiều nơi để học hỏi, kinh nghiệm trồng sầu riêng, dần dần anh đã có được kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng của riêng mình. Vườn sầu riêng của gia đình anh Yên được chăm sóc theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ là chính.

Mô hình trồng sầu riêng của anh Mai Ngọc Yên (người ngoài cùng bên phải)

Anh Yên chia sẻ, hàng năm, để bổ sung nguồn hữu cơ cho cây, anh thường bón 10-15 kg phân hữu cơ vi sinh Komix USM/cây, 8kg phân hóa học. Các loại phân chuyên dùng cho cây ăn trái chia làm 4 lần bón trong một năm, bổ sung thêm Komix khoáng. Giai đoạn quả non đến 1 tháng trước khi thu hoạch, phun 2 đợt phân bón lá super ZinC-K giúp quả đẹp hơn và múi to, cơm dày, tăng độ ngọt. Ngoài ra, anh còn rải lân vôi xung quanh vườn 1 lần/năm vào đầu mùa mưa để hạn chế nấm bệnh và tăng pH cho vườn cây, hỗ trợ cây hấp thu phân khoáng tốt hơn.

Để quả to đều, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì tùy theo sinh trưởng của cây sầu riêng anh có thể hãm trái. Thông thường anh Yên chỉ để 80-100 quả/cây, tương đương 200-250 kg/cây. Trong một năm cây sầu riêng có rất nhiều đợt hoa nở chênh lệch nhau từ 15-20 ngày, anh ưu tiên lấy đợt hoa đầu tiên. Trong quá trình nuôi quả, anh thường xuyên tỉa bỏ những quả mọc dày, méo, sâu bệnh và tỉa bỏ những đợt hoa ra sau, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho trái phát triển tốt.

Khi được hỏi về sâu bệnh hại, anh Yên nói: “Trên cây sầu riêng thường xuất hiện rầy phấn trắng, nhện, bọ chích hút và bệnh thối trái. Để phòng trừ sâu bệnh, phải thường xuyên theo dõi vườn, để phát hiện kịp thời. Đặc biệt, thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, cây sầu riêng thường bị các loại nấm bệnh tấn công gây nứt thân, xì mủ, khô cành, lở cổ rễ…, nên cần phải phun phòng các loại thuốc trừ nấm 3 lần/năm vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa”.

Theo anh Yên, quả sầu riêng khi mới bắt đầu hình thành rất nhạy cảm với thời tiết. Gặp mưa nhiều, cây phát đọt non, nếu không kịp thời phun phân siêu kali để hãm đọt thì sẽ dẫn đến rụng trái. Từ lúc đậu trái 1-5 tuần thường hay xuất hiện các biểu hiện rụng quả non. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cây, có thể sử dụng phân Komix supe zin C – K có chứa các nguyên tố vi lượng như kẽm, Bo phun qua lá để giảm tỷ lệ rụng trái sầu riêng. Từ tuần thứ 5 trở đi cây sẽ không còn rụng sinh lý nữa, nếu vẫn có biểu hiện rụng quả thì cần phải xem xét lại các vấn đề về thân, lá, quả xem có bị sâu bệnh không để tiến hành xử lý.

Để thuận tiện chăm sóc, anh thiết kế hệ thống tưới nước tiết kiệm, toàn bộ hệ thống ống được chôn dưới đất, mỗi gốc sầu riêng có 2 vòi nước xung quanh đảm bảo lượng nước tưới và đủ độ ẩm cho cây phát triển.

Trước khi thu hoạch 30 ngày cần tiến hành phục hồi cây, sử dụng các loại phân bón có nhiều kali để nâng cao chất lượng của trái. Tuyệt đối không sử dụng loại phân có chứa clo để bón cho sầu riêng vì clo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất của trái. Khi thu hoạch, do đặc tính quả sầu riêng chín thường rụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả nên anh thường thu hái quả trên cây khi đã chín sinh lý. Theo anh Yên, khi quan sát các đường chỉ trên quả sầu riêng, kiểm tra độ nhám trên cuống, gõ vào quả để nghe tiếng, quả sầu riêng già sẽ có những đường chỉ rõ nét, phần cuống sẽ nhám hơn, gõ vào quả sẽ có tiếng bộp, đó là khi quả có thể thu hoạch.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn sầu riêng của gia đình anh Yên sai trĩu quả, quả to đều, đẹp nên thương lái rất ưng, gọi đặt hàng từ sớm. Thương lái từ Tiền Giang, TPHCM lên tận vườn để thu mua, thường lựa chọn các trái có trọng lượng từ 1,8-5,3 kg và đặt 3 hốc cơm sầu riêng trở lên. Năm 2017, hơn 385 cây sầu riêng ghép cho năng suất ước đạt 60 tấn quả, với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận anh thu về hơn 2 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với trồng cà phê.

Nhận thấy mô hình đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, anh sẽ cùng các hộ nông dân trồng sầu riêng trong khu vực liên kết thành lập hợp tác xã sầu riêng Tuy Đức, hướng đến xây dựng thương hiệu sầu riêng cho huyện nhà.

Đây là mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, tham quan mô hình, liên hệ anh Mai Ngọc Yên ở thôn 8, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, điện thoại: 0965212222./.

 

Bùi Viết Yến-Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu