TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 10/9/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 337843
  TÀI LIỆU KHCN

  Điện Biên: Tỷ phú người Thái nơi vùng biên Tây Bắc
09/11/2017

Là đại diện duy nhất của tỉnh Điện Biên vinh dự có mặt trong danh sách “63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”, nhưng ít tai biết để có được những thành công như ngày hôm nay, ông Lò Văn Miên ở xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả...

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao biên giới Hua Thanh, người đàn ông dân tộc Thái, Lò Văn Miên đã sớm nung nấu quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương vốn còn nhiều gian khó. Với tư duy dám nghĩ dám làm, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Miên cùng gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ diện tích hơn 60 ha đất đồi rừng thuộc khu vực Huổi Xưa, bản Na Ten, xã Hua Thanh. Đây là khu vực hoang hóa do giao thông đi lại khó khăn, đất đồi bạc màu, rửa trôi. Không quản khó khăn, ông Miên đã đầu tư nhiều công sức, tiền của, thời gian để cải tạo hơn 50 ha đồi rừng và trồng nhiều loại cây có giá trị như bương, trám, dổi, keo lai…

Ông Lò Văn Miên chia sẻ: “Ngày đầu vào đây làm kinh tế cũng khó khăn lắm. Bà con trong bản chẳng ai tin gia đình tôi lại bám trụ được ở vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt này. Nhưng với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu tôi đã cùng gia đình vỡ đất, giảm độ dốc, trồng khoai, sắn... để có thu nhập và cải tạo đất. Sau đó, tôi chọn giống cây và từng bước mở rộng diện tích rừng trồng. Đến nay, hơn 50 ha rừng trồng không chỉ có tác dụng che chắn cho khu trang trại mà còn cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhờ khai thác các loại gỗ đến tuổi thu hoạch.

Cùng với đó, ông Lò Văn Miên còn dành riêng gần 10 ha để quy hoạch phát triển trang trại tổng hợp. Theo đó, từ năm 2004, ông Miên bắt đầu trồng thử nghiệm cây cam Vinh. Lần đầu trồng cam Vinh thất bại vì chưa thạo kỹ thuật và sử dụng cây giống không chuẩn. Vụ thu hoạch đầu tiên, lặng nhìn những trái cam vừa nhỏ vừa ít nước, ông Miên quyết tâm làm lại. Ông lặn lội về tận Trường Đại học Nông nghiệp để tìm mua cây giống và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Áp dụng đúng kỹ thuật, thường xuyên theo dõi và chủ động xử lý khi cây cam có dấu hiệu sâu bệnh, ông Lò Văn Miên đã dần thu được những “trái ngọt” từ loại cây trồng vốn được xem là khá “khó tính” này. Đến nay, với hơn 7.000 gốc cam Vinh và hàng nghìn gốc bưởi, chanh..., bình quân mỗi năm ông Miên thu hoạch hàng chục tấn cam, bưởi. Riêng năm 2016, gia đình ông Miên đã thu về hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán cam các loại.

Ông Lò Văn Miên chăm sóc vườn cam của gia đình

Không chỉ có vậy, nhằm khai thác có hiệu quả diện tích hơn 60 ha đất đồi rừng, ông Lò Văn Miên còn triệt để tận dụng các khe, hủng tự nhiên sẵn có để cải tạo thành những ao nuôi cá, đồng thời có tác dụng trữ nước phục vụ sản xuất. Hệ thống các ao lớn, nhỏ tuỳ theo diện tích đã được ông quy hoạch khoa học, hợp lý phù hợp với địa hình. Hiện gia đình ông Miên đã có hơn 10 ao cá với diện tích mặt nước trên 10.000 m2. Với cơ cấu các loại cá khá phong phú như rô phi đơn tính, chép, trắm, cá chim… hàng năm ông thu hoạch từ 22 - 25 tấn cá, trừ chi phí các loại còn lãi khoảng trên 100 triệu đồng. Tận dụng hệ thống ao nuôi cá còn được ông Miên kết hợp nuôi thả ngan, vịt...

Dám nghĩ dám làm và nhanh nhạy bám sát nhu cầu thị trường, với mục tiêu phát triển đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 2015 đến nay, ông Lò Văn Miên đã tiếp tục đầu tư chuồng trại để nuôi thêm lợn rừng và bồ câu Pháp để vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn vừa hình thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mới. Chỉ tính riêng đàn lợn rừng hơn 20 con đang bước vào giai đoạn sinh sản đã hứa hẹn một nguồn thu không nhỏ cho gia đình ông.

Tìm hiểu được biết, mô hình phát triển rừng trồng và kinh tế trang trại theo hướng “đa canh, đa nuôi” của gia đình ông Lò Văn Miên đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Năm 2016 vừa qua, ông Miên và gia đình thu về khoảng gần 1,9 tỷ đồng từ phát triển kinh tế đồi rừng và trang trại tổng hợp. Cùng với đó, mô hình kinh tế của gia đình ông Miên còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 - 10 lao động người địa phương. Đồng thời, phát huy tinh thần tương thân tương ái, ngoài việc tích cực ủng hộ các phong trào hoạt động của địa phương, ông Lò Văn Miên còn trực tiếp giúp đỡ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và cho vay vốn không lấy lãi để 12 hộ nông dân nghèo trong xã cùng phát triển sản xuất. Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ông trong phát triển kinh tế gia đình, ông Lò Văn Miên đã vinh dự được nhận nhiều hình thức khen thưởng các cấp như Bằng khen “Có thành tích trong phong trào nông dân SXKD giỏi từ năm 2010 - 2014” của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen “Thành tích sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm, giai đoạn (2006 - 2010)” của Bộ NN&PTNT; Bằng khen “Có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Điện Biên” của Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên; Giấy khen của Hội Nông dân huyện Điện Biên vì “Có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2016”... Và gần đây nhất là Danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”

Cùng chúng tôi tham quan mô hình trang trại “đa canh, đa nuôi” của ông Lò Văn Miên, đồng chí Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cho biết, mô hình trang trại VACR của gia đình ông Miên là một điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Thời gian qua, xã đã phối hợp cùng Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Điện Biên để phổ biến, nhân rộng mô hình này góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển./.

 

Theo khuyennongvn.gov.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu