TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 311057
  TÀI LIỆU KHCN

  Trồng lan - vừa thỏa thú chơi, vừa cho doanh thu cao
07/03/2018

Những năm gần đây, hoa lan đã là lựa chọn ưu tiên của nhiều người tiêu dùng để trưng bày trong dịp Tết. Tuy nhiên lượng lan rừng tự nhiên không thể đáp ứng đủ nhu cầu vì vậy lan được trồng hàng hóa là một sự thay thế tất yếu. Có nhiều nhà vườn đã giàu lên từ nghề trồng và thuần hóa lan rừng. Nhà vườn Thịnh Huyền tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một minh chứng cho điều đó.

Đến với Xuân Quan vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu 2017, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước sự đông đúc, tấp nập của chợ hoa xuân. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, tô điểm thêm cho cái đẹp riêng của mùa xuân làng hoa. Cũng không khó để chúng tôi tìm đến được vườn lan Thịnh Huyền vì đây là một trong số ít những nhà vườn trồng lan tại Xuân Quan.

Tiếp chúng tôi bên ấm chè sen ấm nóng, anh Lê Ngọc Thịnh, chủ vườn lan Thịnh Huyền chia sẻ: Anh sinh năm 1972, là người địa phương. Trước kia anh làm nghề vận tải, chuyên vận chuyển hàng gốm xứ đi các nước. Tuy nhiên do làm ăn ngày càng khó khăn nên khoảng 15-16 năm trở lại đây anh đã bắt đầu gây dựng dàn lan, một phần vì đam mê, vì tình yêu đối với loài hoa này, một phần nếu biết cách chăm sóc thì hoa lan cũng cho nguồn thu nhập tương đối cao.

Yêu, đam mê nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ, trồng lan cần phải có sự học hỏi, quan sát, lắng nghe, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế. Bản thân anh những ngày đầu cũng gặp không ít thất bại vì kinh nghiệm chưa có, thông tin khi đó còn hạn chế - không biết hỏi ai nên khi cấy kie (cây con) cây bị chết nhiều, rồi bị nấm, bị nhiễm khuẩn… Thất bại nhưng không nản, anh tự mày mò tìm hiểu, rồi hỏi han kinh nghiệm từ những người chơi lan nhỏ lẻ trong làng, trong huyện, để từ đó anh biết được những loại lan có tập tính ra sao, loại nào ưa sống trên cao, loại nào ưa sống dưới thấp, loại nào ưa khô, ưa ẩm, loại nào ưa nắng, ưa râm mát,... để chăm sóc cho phù hợp. Anh cũng tìm đến những nguồn cung cấp giống đảm bảo rồi tự tách ghép để nhân giống. Không phụ công anh, những cánh lan rừng sau một thời gian chăm nuôi đã có thể khoe sắc. Đến hôm nay, dàn lan của anh đã lên tới gần 2000m2 với hàng vạn giò lan các loại, chưa kể cây giống (kie).

Anh Thịnh đang chăm sóc vườn lan

 

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn lan anh Thịnh vừa chia sẻ thêm: Vườn lan rất rộng nhưng 2 vợ chồng anh đều tự tay cấy ghép, tự tay chăm sóc. Anh thiết kế dàn theo kiểu linh động – thanh ngang của dàn khi cần có thể di chuyển nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, toàn bộ vườn đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động, che nắng bằng lưới, bố trí treo lan phù hợp, vì vậy dàn lan luôn đảm bảo độ sáng, độ thoáng thích hợp với từng loại lan, tận dụng được tối đa diện tích của dàn lan.

Chỉ vào một vài giò lan đang bung hoa, anh Thịnh cho biết, mỗi cây đều có một vẻ đẹp nhất định, cây thì cho sắc, cây thì cho hương nhưng chung quy nhất thì các cây đều đã được thuần hóa và chỉ những cây đã được nuôi thuần (sau cấy ghép được 1-2 năm) anh mới xuất bán cho khách chơi, bởi mỗi giò lan như một đứa con tinh thần của anh, vì thế anh luôn mong muốn người mua về chơi được chơi, được thưởng hoa chứ người chơi mua về mà cây bị hỏng, bị chết thì anh rất xót xa. Chưa kể có những giò lan lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng thì đó là sự thiệt hại rất lớn cho người chơi.

Khi được hỏi về nguồn thu từ trồng lan đem lại anh Thịnh cho biết, hiện nay anh đang xuất bán lan đi gần như khắp cả nước, nhưng tập trung nhiều là: Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng... Các loại lan xuất bán nhiều: Phi Điệp tím, Năm cánh trắng, Tam bảo sắc, Đai Châu, Quế Lan Hương, Hài, Long Tu, Hạc Vĩ... Doanh thu hàng tháng trung bình từ 60-70 triệu đồng. Như vậy, theo sự nhẩm tính của chúng tôi thì tổng doanh thu 1 năm của anh sẽ đạt được từ 700 - 900 triệu đồng.

Định hướng của anh Thịnh trong thời gian tới, mở thêm khoảng 700m2 dàn lan, đồng thời xây dựng khu trưng bày, khu thăm quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm về trồng lan nhằm nâng cao khả năng tương tác với khách hàng, có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với tất cả những ai yêu lan và có kế hoạch trồng lan. Anh cũng quyết tâm sớm chinh phục được 2 loài lan: Hoàng thảo U lồi và Trầm vàng vì đây là 2 loài lan rất khó nuôi trồng nhân tạo.

Chia tay anh Thịnh trong se se lạnh của cái rét cuối mùa nhưng trước sự chân tình, nồng ấm của chủ vườn, trước những cánh hoa lan đang kiêu hãnh khoe sắc, tỏa hương chúng tôi tự nhủ mình sẽ còn quay trở lại, để tiếp tục được nghe anh nói về loài hoa lan với một tình yêu sâu đậm.

Đỗ Danh Lãnh-Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu