TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 15/10/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 341567
  TÀI LIỆU KHCN

  Quảng Bình: Chuyển đổi sinh kế bền vững nhờ nuôi lợn rừng trên cát
01/04/2018

Sau sự cố môi trường biển, ngư dân các địa phương ven biển huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình đã tích cực chuyển đổi sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương như chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản nước ngọt. Đặc biệt, thành công của mô hình nuôi lợn rừng trên cát của chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi sinh kế bền vững cho ngư dân các xã ven biển sau sự cố này...

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Huy sống bằng nghề đi biển gần bờ, công việc mưu sinh tuy vất vả nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, từ khi xảy ra sự cố cá chết, những ngư dân như chị trở nên trắng tay, không biết làm nghề gì để sinh sống. Xung quanh, các gia đình ngư dân như chị trăn trở tìm cách chuyển đổi, có người trồng khoai lang, có người đào ao nuôi cá lóc, người xây chuồng thả dăm ba con lợn… Sau nhiều đêm suy tính tìm cách chuyển đổi sinh kế, chị Huy cũng quyết định chăn nuôi, nhưng là nuôi lợn rừng, vì tìm hiểu được biết loại lợn này cũng không khó nuôi mà thị trường lại ưa chuộng hơn.

Sau khi tận mắt đi “ngó” (xem) mấy trang trại nuôi lợn rừng quanh vùng để tìm hiểu cách thức chăm sóc và xây chuồng trại, về nhà chị Huy gom góp hết vốn liếng và tiền đền bù được gần 70 triệu đồng để nuôi lợn rừng. Trên diện tích hơn 200m2 đất vườn, chị xây dựng hệ thống chuồng nuôi với các khu ăn, ngủ, tắm nắng, xung quanh giăng hơn 1 tấn lưới B40. Hoàn thành xong phần chuồng trại, chị Huy lại vay mượn thêm 20 triệu đồng để mua 8 con lợn giống, gồm 7 con cái và 1 con đực về thả nuôi.

Học hỏi trên sách vở, học hỏi kinh nghiệm của những người đã từng nuôi, dựa vào đặc tính của loài lợn rừng, chị Huy quyết định chăn nuôi theo hình thức nuôi thả bán hoang dã với nguồn thức ăn hoàn toàn từ rau cỏ tự nhiên, cám gạo, khoai sắn…; ngoài ra, chị còn mua các loại thứ phẩm biển rẻ tiền như ghẹ, tôm cá phơi khô nghiền thành bột cho lợn ăn. Bên cạnh đó, chị tích cực vệ sinh, tạo chỗ tắm nắng, định kỳ khử trùng chuồng trại và thực hiện tiêm vắc xin cho đàn heo. Trời không phụ công người, sau gần một năm chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, chị đã xuất bán lứa lợn giống đầu tiên trong niềm vui khôn xiết.

Chị Huy cho biết: “Nuôi lợn rừng đơn giản hơn so với nuôi lợn ta vì tập tính lợn rừng sống khá hoang dã, sức đề kháng và miễn dịch tốt, ít bị bệnh. Tuy nhiên, người nuôi phải cần cù, chịu khó, vì thời gian từ khi nuôi đến khi lợn đẻ và xuất bán lứa đầu tương đối dài. Nhờ “mát tay”, sau hơn một năm lăn lộn với lợn rừng, tôi cũng có chút kinh nghiệm và đồng vốn nên quyết định ngoài nuôi lợn nái bán giống thì mở rộng thêm quy mô để nuôi lợn thịt thương phẩm vì nhu cầu thị trường về lợn thịt rất lớn”.

Đến thời điểm này, đàn lợn nái của chị Huy đã tăng lên hơn 40 con. Mỗi nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa được từ 6-8 con, nếu chăm sóc tốt thì khoảng 40-45 ngày là xuất bán giống. Tính bình quân, mỗi năm chị Huy xuất chuồng gần 200 con lợn giống và lợn thịt, với giá lợn thịt khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, vào các dịp lễ tết giá cao hơn rất nhiều so với bình thường với khoảng 200.000 đồng/kg... Trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn rừng, nhờ đó cuộc sống của gia đình cũng dần khấm khá.

 

Mô hình nuôi lợn rừng trên cát của chị Nguyễn Thị Huy 

 

Nhận thấy mô hình nuôi lợn rừng trên cát theo quy mô hộ của chị Huy mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ngư Thủy Nam cũng đã đến tìm hiểu, học hỏi và đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi. Bất kỳ ai đến hỏi chị Huy cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình, ai mua lợn giống thiếu tiền chị cũng cho nợ lại. Hiện toàn xã Ngư Thủy Nam đã có thêm 5-7 hộ phát triển mô hình này, tất cả đều mang lại kết quả khả quan. Ngoài ra, còn có một số hộ khác đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm vài con để lấy kinh nghiệm và tích lũy vốn mở rộng chuồng trại.

Nói về những dự định sắp tới, chị Huy cho biết: Với lợi thế vùng biển là đất đai rộng, nguồn thức ăn rau củ cũng dễ trồng, dễ kiếm, lại thêm có phụ phẩm từ biển nên nguồn thức ăn rất dồi dào. Vì vậy, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại và tăng thêm số lượng lợn nuôi thịt để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi thì cần có thêm vốn nên gia đình cũng mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, có chính sách hỗ trợ vốn vay để gia đình chị cũng như các hộ dân khác trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Theo anh Nguyễn Viết Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam, trong các mô hình chuyển đổi sinh kế do sự cố môi trường biển tại địa phương thì mô hình chăn nuôi lợn rừng của chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến khá mới mẻ, có thể nói là đầu tiên ở xã bãi ngang này. Dù rất mới nhưng mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nghề biển và một số nghề chuyển đổi của bà con trong xã. Hiện tại, mô hình nuôi lợn rừng trên cát tại địa phương rất được các cấp chính quyền và bà con quan tâm đến tìm hiểu, học hỏi. Đặc biệt, vừa rồi Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cũng có về thăm và đánh giá cao về mô hình chăn nuôi mới này, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí để tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình nhằm giúp bà con ngư dân địa phương chuyển đổi sinh kế bền vững.

Theo khuyennongvn.gov.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu