TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 13/10/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 341347
  TÀI LIỆU KHCN

  Đắk Nông: Người phụ nữ giàu kinh nghiệm chăn nuôi lợn
21/06/2018

Đến xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hỏi những người dân nơi đây về người có thâm niên trong chăn nuôi lợn thịt, tôi đều có chung câu trả lời là cô Hoàng Thị Tề ở thôn 4, xã Quảng Khê.

Tham quan khu vực chăn nuôi của cô, quan sát chuồng trại rất sạch sẽ, nhìn đàn heo đồng đều theo lứa, thịt căng bóng, mỡ màng ai cũng trầm trồ. Được trò chuyện với cô, nhìn cách cô chăm sóc, phối trộn thức ăn cho đàn heo, tôi thấy may mắn được có cơ hội học hỏi nhiều điều từ người phụ nữ này.

Cô Hoàng Thị Tề sinh năm 1967 khởi nghiệp nuôi lợn thịt từ năm 1999. Ban đầu với số vốn còn ít ỏi cô chỉ dám nuôi vài con. Dần dà, với hình thức lấy ngắn nuôi dài cô tăng dần số lượng đàn nuôi lên. Đến nay trại heo nhà cô lúc nào cũng từ 50-60 con. Khu vực nuôi có tổng 9 chuồng, trong đó 2 chuồng mỗi chuồng cô nuôi 10 con heo còn nhỏ, 6 chuồng còn lại mỗi chuồng có 5 con từ 40kg trở lên, còn 1 chuồng để trống để khi có lứa chuẩn bị xuất bán thì cô sẽ nuôi gối đầu lứa mới trước đó khoảng 10 ngày đến 1 tháng.

Cô Tề cho biết, không phải ai cũng gắn bó được lâu dài với nghề này, muốn thành công được trước hết phải yêu nghề, chịu khó, không ngừng học hỏi thêm các kiến thức, rồi tự bản thân đúc rút dần kinh nghiệm theo thời gian. Không hề giấu giếm, cô nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm cô đúc kết với gần 20 năm chăn nuôi lợn thịt.

Theo cô, việc đầu tiên phải làm tốt là là khâu chọn giống. Khi chọn giống thì không được ham rẻ, giống phải mua từ những nơi cung cấp giống uy tín, đạt chất lượng. Bởi khi con giống khỏe, có những phẩm chất đạt yêu cầu thì nuôi rất nhàn, đồng thời heo ít dịch bệnh, nuôi nhanh to. Theo kinh nghiệm của cô, con giống được chọn là của dòng có ba mẹ giống tốt, nhiều nạc, con giống phải nhanh nhẹn, da hồng hào, thân dài, mông nở, bụng thon, đặc biệt là phàm ăn.

Thứ hai là khâu chuồng trại. Chuồng trại xây trên nền đất cao ráo, xa dân cư, có đủ nước, xây theo hướng Đông Tây. Chuồng có diện tích từ 12-15 m2. Chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ. Xung quanh chuồng nuôi của cô là những cây ăn quả che bóng tầng cao. Cô cho biết cô trồng cây ăn quả ngoài mục đích tăng thêm thu nhập còn hạn chế được gió lùa ảnh hưởng đến chuồng nuôi, ngoài ra còn làm giảm nhiệt độ vào buổi trưa hay thời tiết nắng nóng. Số lượng lợn nuôi mỗi chuồng khác sau tùy giai đoạn. Từ khi bắt giống đến khi trọng lượng được 30kg cô nhốt 10 con/chuồng, còn khi trọng lượng từ 30kg trở lên sẽ tách chuồng là 5 con/chuồng.

Thứ ba, phòng trừ dịch bệnh. Cô cho biết trại nhà cô ít khi xảy ra dịch bệnh, thỉnh thoảng có hiện tượng lợn bị tiêu chảy. Tuy nhiên, không vì thế mà cô chủ quan. Con giống cô chọn ở những nơi quen biết, thường đã được chích ngừa một số vaccin cơ bản. Trong quá trình nuôi cô cũng chích phòng bệnh cho đàn nuôi theo từng giai đoạn. Khi quan sát lợn có biểu hiện bệnh thì phải xử lý bệnh ngay và dứt điểm để tránh lây lan, bởi nếu không xử lý bệnh kịp thời thì thời gian sau những con này nuôi cũng vất vả, chậm lớn hơn các con khác. Đồng thời cô luôn tẩy giun sán định kỳ cho đàn nuôi.

Vấn đề thứ tư mà cô Tề quan tâm là thức ăn cho lợn. Theo cô Tề đây là khâu quyết định đến thành công như ngày hôm nay của cô. Khi thức ăn đầu tư cho lợn ít thì người nuôi sẽ có lãi cao, và ngược lại. Mỗi giai đoạn thì khẩu phần ăn cho lợn cũng khác nhau. Lúc lợn giống mới bắt về tầm 10kg, từ giai đoạn 10kg-20kg, lúc này hệ tiêu hóa của đàn lợn còn yếu do đó cô sẽ cho ăn cháo loãng nấu bằng gạo tẻ trộn với cám viên, cám viên giai đoạn này cô sử dụng loại cám CP 951. Khi lợn từ 20 kg trở lên khẩu phần ăn gồm cám Dachan trộn với bã đậu nành và bã rượu. Bã rượu cô tận dụng từ lò nấu rượu của gia đình, mỗi ngày cô nấu 100 lít rượu, bã rượu này đủ cho đàn lợn hàng ngày. Bã đậu nành được cô mua từ các lò làm đậu hũ với giá 1.000 đồng/kg. Tỉ lệ phối trộn khác nhau theo tùy theo trọng lượng đàn nuôi. Khi trọng lượng tăng lên cô giảm tỉ lệ cám đồng thời tăng tỉ lệ bã đậu lên. Đến giai đoạn lợn từ 50kg trở lên khẩu phần ăn của đàn lợn nhà cô sẽ là 2 phần bã đậu, 1 phần cám, cộng thêm bã rượu. Khi thay đổi tỉ lệ phối trộn thì người nuôi phải theo dõi, quan sát phân lợn bài tiết ra. Nếu thấy phân khô, bình thường thì giữ tỉ lệ đó rồi dần tăng thêm cho hợp lý. Nếu phân ướt bất thường thì phải kịp thời điều chỉnh tỉ lệ phối trộn thức ăn sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của đàn lợn. Cô Tề cho biết, khi quan sát chuồng thấy phân ướt không nhất thiết phải cho lợn uống thuốc mà trước hết phải xem lại khẩu phần thức ăn cho lợn đã hợp lý hay chưa. Nhờ nguồn thức ăn rẻ nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng nên dù có thời điểm giá lợn xuống mức thấp nhất cô Tề vẫn có lãi.

Cuối cùng, chất lượng sản phẩm quyết định đến thành công trong chăn nuôi. Lợn nhà cô không lo đầu ra, cô ít khi phải bán cho các thương lái. Với uy tín được tạo dựng theo thời gian dài nên khi các hộ gia đình ở địa phương có đám, tiệc cưới xin ọ thường hay tới mua lợn nhà cô. Nhà ít thì mua 1 con, nhiều thì 5,7 đến chục con.

Khi tôi đến cũng có mấy người dân đang đến hỏi mua lợn. Cô Tề báo giá lợn hơi 50.000 đồng/kg đối với lợn đã đạt tiêu chuẩn xuất chuồng, những người này không mặc cả mà họ đồng ý mua luôn. Qua trò chuyện, một người dân đến mua cho biết, gia đình anh cũng từng nhiều lần mua lợn thịt ở nhà cô Tề, mặc dù có khi giá bán cao hơn thị trường 2.000- 3.000 đồng/kg anh vẫn mua, vì thịt lợn ở đây ngọt, nhiều nạc và ăn ngon hơn thịt được bày bán ở ngoài chợ.

Cô Tề (áo hoa) đang xuất bán lợn cho người dân địa phương

 

Với đàn lợn 50- 60 con nên gia đình cô Tề cũng tiết kiệm được tiền mua phân bón. Phân chuồng thải ra được cô ủ rồi bón cho 2 héc ta cà phê, tiêu, cây ăn quả bên cạnh chuồng nuôi. Nhìn vườn cây xanh tốt, đất tơi xốp nhìn ai cũng thích.

Mỗi lứa lợn cô nuôi 5 tháng, trọng lượng mỗi con khi xuất chuồng thường đạt từ 90-100 kg. Với 5 đàn lợn, tổng đàn 50 con thì mỗi tháng cô Tề xuất bán đều đặn 1 lứa/10 con. Nhờ thức ăn đầu tư rẻ nên với giá lợn hơi 50.000/kg cô lãi từ 1.400.000 đồng- 1.600.000 đồng/con. Mỗi lứa trừ hết chi phí đầu tư cô lãi trung bình 15 triệu đồng/lứa. Mỗi năm nuôi 12 lứa mang lại thu nhập 180 triệu đồng cho gia đình cô. Đây là một thu nhập không nhỏ đối với người nông dân, đặc biệt đối với bà con nông dân ở huyện đặc biệt khó khăn Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Nhờ nuôi heo, nấu rượu cùng với làm thêm vườn mà cô Tề vươn lên là hộ khá giả trong vùng, các con của cô cũng có điều kiện được học hành tốt. Cô tự hào khi người con lớn học xong đại học đã tốt nghiệp đi làm, người con thứ 2 đang học Đại học Dược ở Hà Nội, còn người con út chuẩn bị lên lớp 12.

Bà con ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi lợn thịt có thể liên hệ với cô Hoàng Thị Tề, địa chỉ ở thôn 4, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Trần Thị Thanh Nhàn-Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu