TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310835
  TÀI LIỆU KHCN

  Lào Cai: Chuyện lão nông làm giàu từ phát triển cây ăn quả ôn đới
06/09/2018

Là một trong số ít hộ nông dân đầu tiên tham gia trồng thí điểm 3 loại cây ăn quả đặc sản (đào Pháp, lê VH6, mận tam hoa) và đạt hiệu quả cao, lão nông Vàng Văn Thỉ là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế ở huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai).

Những ngày này đến thăm các xã khu vực trung tâm huyện Bắc Hà mới cảm nhận niềm vui của bà con nông dân người Mông, Tày, Nùng khi lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, cả 3 loại cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới nổi tiếng của địa phương là đào Pháp, lê VH6 và mận tam hoa được mùa, được giá cao ổn định. Trong câu chuyện của nhà nông, ai nấy đều bàn, bảo nhau chuẩn bị cải tạo, tỉa cành, bón phân, chăm sóc cho cây mận, đào, lê vừa thu hoạch để vụ sau cho quả to, đẹp, năng suất cao.

Khi được hỏi về hộ dân điển hình trong canh tác, ai nấy đều ca ngợi  lão nông Vàng Văn Thỉ, dân tộc Tày, sinh năm 1957, ở thôn Na Kim, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Ông là người đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, trồng theo mô hình công nghệ cao 3 loại cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới đặc sản của Bắc Hà đem lại năng suất, hiệu quả  kinh tế cao.

Đến thôn Na Kim, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi cổng thôn, đường làng, ngõ xóm được bê tông, sạch sẽ, nhiều nhà xây mới mọc lên bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống khang trang, hiện đại đã được cách tân. Nhà nào cũng trồng cây mận tam hoa, cây đào Pháp, lê và xen canh dưới gốc là những luống rau xanh. Quang cảnh hiện hữu bộ mặt thôn xây dựng nông thôn kiểu mẫu chuẩn bị được công nhận trong tháng 10/2018 này.

Trưởng thôn Na Kim – ông Lý Diệp Sung tự hào bảo: "Người dân trong thôn có được cuộc sống ấm no phần lớn dựa vào trồng cây ăn quả đặc sản. Nhà nào, nhà nấy đều phục, khen gia đình ông Vàng Văn Thỉ. Nhà ông Thỉ trồng cây ăn quả trước, các hộ thấy hiệu quả đều làm theo, nhất là trong 2-3 vụ gần đây khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào chăm sóc cây lê, mận, đào Pháp".

Gia đình ông Thỉ ở gần cuối thôn. Tuy là triệu phú nông dân, có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả ôn đới nhất, nhì huyện song gia đình ông vẫn sống 3 thế hệ trong ngôi nhà 2 tầng cũ, tọa lạc ven thung lũng trồng cây ăn quả. Cách đó không xa, độ 200 m bên kia sườn đồi là khu vườn đồi rộng hơn 2 ha trồng 350 cây ăn quả đặc sản của gia đình.

Khu vườn đồi được rào, giăng lưới thành khu riêng, tránh gia súc vào phá. Các cây được đốn tỉa, tạo tán thông thoáng. Trong câu chuyện, lão nông Vàng Văn Thỉ chia sẻ câu chuyện trồng cây ăn quả ôn đới công nghệ cao của gia đình.

Ngược dòng thời gian về đầu những năm 1980, khi cây mận tam hoa được huyện Bắc Hà triển khai nhân rộng nhằm xóa đói, giảm nghèo, gia đình ông Thỉ là một trong số ít hộ tiên phong đi đầu. Với 20 cây mận đầu tiên được đưa vào trồng thử nghiệm, sau 3-4 năm, những cây mận này bắt đầu đem lại thu nhập, tạo niềm tin cho ông tiếp tục trồng và mở rộng diện tích. Đầu những năm 1990, ông đã phát triển được đến 250 cây.

Trải qua những thăng trầm về biến động giá cả, một số cây già, thoái hóa giống, ông Thỉ đã chặt bỏ, chỉ để một số cây tốt để cải tạo, trồng mới thêm giống mận thuần chủng. Đến nay vườn nhà ông còn khoảng 100 gốc mận chất lượng, trồng theo mô hình công nghệ cao, trong đó trên 50% là cây trồng mới theo dự án cải tạo mận tam hoa của tỉnh Lào Cai thực hiện mấy năm trước. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật; thực hiện chăm bón, đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc theo đúng qui trình hướng dẫn theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn mận tươi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Từ năm 2015, vườn mận cho thu hoạch trung bình gần 40 triệu đồng/vụ. Riêng vụ mận năm 2018 vừa kết thúc ông thu trên 50 triệu đồng nhờ mận vừa được mùa, giá cao, ổn định.  

Bên cạnh việc cải tạo, trồng mới giống mận tam hoa thuần chủng, gia đình ông Thỉ mạnh dạn trồng 2 loại cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới mới được du nhập, lai tạo giống ở địa phương là cây lê VH6 và đào Pháp. Với 90 cây đào Pháp hiện tại, mỗi năm gia đình ông Thỉ cũng có thu nhập từ 20- 30 triệu đồng. Từ năm 2004, khi cây lê VH06 đang được Trại rau quả huyện nhân giống, ông  Thỉ đã  mạnh dạn trồng khoảng 30 cây lê thay thế diện tích cây mận tam hoa bị thoái hóa. Cây lê VH06 thích ứng với điều kiện tự nhiên, sinh trưởng và phát triển tốt nên gia đình  ông Thỉ mở rộng diện tích trồng lê được 150 cây. Hiện khoảng 80 cây cho thu hoạch, 50 cây bắt đầu bói quả. Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Thỉ thu từ 20- 25 triệu đồng từ bán quả lê.

Ông Thỉ (mặc áo đen, thứ 2 từ phải sang) tiếp đoàn đến tham quan

 

Theo kinh nghiệm ông Thỉ đúc kết những cây ăn quả như lê, đào, mận hay cây hồng đều là những cây trồng có giá trị kinh tế cao, hoàn toàn phù hợp với đất đai, khí hậu ở xã Tà Chải nói riêng và khu vực trung tâm huyện nói chung. Tuy nhiên, để phát triển những cây trồng này, đòi hỏi người dân phải mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng qui trình chăm sóc.

Ông Vàng Văn Thỉ chia sẻ: "Hiện gia đình tôi đã và đang áp dụng công nghệ cao trong quá trình chăm sóc cây ăn quả; đốn tỉa, tạo tán, bón phân, phòng chống sâu bệnh cho các loại cây ăn quả,… Đặc biệt khi lê kết quả cần bọc giấy bảo vệ để lê phát triển tốt, cho quả to, ngọt, mát và hạn chế sâu bệnh gây hại quả".

Từ áp dụng thành công khoa học, công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, đã 3 vụ gần đây đã đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. Trong vụ thu hoạch năm 2018 gia đình ông Thỉ thu trên 120 triệu đồng từ vườn cây, tạo niềm tin để ông Thỉ và bà con nông dân Bắc Hà gắn bó phát triển cây ăn quả đặc sản địa phương.

 Hiệu quả từ mô hình cây ăn quả ôn đới của gia đình ông Thỉ đã được các cấp, các ngành và bà con nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Trong suốt hơn 5 năm qua đã có nhiều đoàn công tác từ các tỉnh bạn như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… và các huyện trong tỉnh như Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương sang thăm quan, học tập. Mô hình này còn được các cấp Hội nông dân trong tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà tổ chức tham quan, học tập mô hình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nêu gương cho bà con nông dân học tập noi theo, góp phần xóa nghèo bền vững./.

Tráng Xuân Cường, Đài TT- TH huyện Bắc Hà, Lào Cai
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu