TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310910
  TÀI LIỆU KHCN

  Đồng Tháp: Lão nông “mê” nông nghiệp công nghệ cao
14/11/2018

Đi học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm là câu chuyện “thật như đùa” của lão nông Nguyễn Văn Thức (62 tuổi) – người mới chỉ học hết lớp 5 trường làng tại ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Nông dân trường làng đi “du học” nước ngoài

Nông nghiệp là nghề truyền thống mà ông bà đã truyền lại hơn 40 năm qua, tuy nhiên, phương thức canh tác lạc hậu đã không mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình mà nhiều lúc còn gặp cảnh “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”. Thấy được điều đó nên ông Thức luôn muốn tìm hướng đi mới có thể cải thiện việc sản xuất nông nghiệp truyền thống và mang lại hiệu quả. Dù chỉ học hết lớp 5 trường làng nhưng ông Thức là một nông dân chịu khó học hỏi, tự nghiên cứu và luôn sẵn sàng, tiên phong đi đầu trong các phong trào sản xuất nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều năm về trước, để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, phẩm chất nông sản, ông Thức đã chủ động liên hệ ngành chuyên môn của huyện An Phú để được đăng ký tham gia các lớp tập huấn phương thức canh tác về nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nơi như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Không những thế, với tính ham học hỏi, mạnh dạn trước đám đông mà ông Thức được tỉnh đề cử tham gia học tập kinh nghiệm hơn 10 ngày tại Đài Loan về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Từ nông dân chân chất quanh năm bên những ruộng đồng nên việc áp dụng công nghệ cao thật sự khó khăn và mới lạ đối với lão nông như ông Thức. Quyết chí là phải làm, làm là phải thành công nên ông Thức không ngần ngại học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dù người đó là già hay trẻ và cũng chính từ cái ham học hỏi đó mà ông Thức luôn được mọi người mến mộ. Tháng 6/2017, với số tiền 120 triệu đồng của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ, ông Thức đã đầu tư 1.000mnhà lưới chuyên sản xuất cây giống. Đây là mô hình “tiên phong” của huyện An Phú về việc áp dụng sản xuất trong nhà lưới và đối với nông dân nơi đây, mô hình này vô cùng mới lạ.

Trong lúc thí nghiệm mô hình, nhiều nông dân gần đó cũng đến tham quan học hỏi, nhiều người còn nghĩ ông Thức bị “thần kinh” vì cây trồng trong môi trường không có gió, nắng lại tập trung như thế thì làm sao có thể phát triển được. Nhiều người lúc bấy giờ hay nói đùa: “người vào đó vài ngày còn chết huống chi là cây cối”. Việc áp dụng mô hình mới luôn phải chịu sự tác động từ nông dân xung quanh khi thay đổi phương thức trồng “360 độ”, nhưng ông Thức không buồn vì những lời nói đó mà xem đó là động lực để tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện phương thức trồng để làm tiền đề hướng dẫn nông dân khác để thực hiện và nhận rộng.

Để chứng minh rằng việc sản xuất trong nhà lưới có nhiều lợi thế, ít sâu bệnh tấn công, hiệu quả gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống thì bản thân ông Thức đã phải cố gắng rất nhiều từ việc thử nghiệm, thực nghiệm và sản xuất mẫu cho các mô hình điểm của huyện. Không ít lần thất bại nhưng ông Thức không nản chí mà lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho sản xuất. Tuy học vấn ít nhưng ông Thức luôn chủ động xem báo đài, truyền hình, tham quan mô hình sản xuất mới, tham khảo nhiều tài liệu liên quan. Ông Thức tâm sự, mô hình nhà lưới ở đây khá mới do nó khó áp dụng, mô hình chỉ tập trung ở xứ lạnh nhưng cái hay của nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tự động là chủ động kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, ít chịu sự tấn công của sâu, bệnh nên phẩm chất, chất lượng cây giống cũng cao hơn nhiều so với bình thường.

Ông Thức kiểm tra chất lượng cây giống trước khi xuất bán ra thị trường

 

Bậc thầy nông nghiệp của sinh viên chuyên ngành

Dù học vấn không cao nhưng ông Thức rất cần cù, siêng năng, kết hợp kinh nghiệm sản xuất lâu năm và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: tưới phun, xử lý hạt giống, chọn giống chất lượng, áp dụng các biện pháp tổng hợp để giúp cây giống có thể đề kháng tốt, phù hợp với nhiều vùng đất khác nhau và cho năng suất cũng như chất lượng vượt trội. Nhiều loại cây giống được ông Thức thử nghiệm như: ớt, cà tím, củ cải trắng, rau ăn lá các loại…. Sau khi tiến hành ươm giống từ 25 - 30 ngày tuổi là có thể cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh đó, ông Thức còn được ví như “bậc thầy” của những sinh viên thực tập. Mỗi năm ông đều nhận từ 4 - 5 bạn sinh viên thực tập tại các Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tham quan, học hỏi và thực tập thực tế dài hạn, ngắn hạn và tham quan học hỏi của các công ty doanh nghiệp sản xuất rau màu với diện tích lớn.

Ông Thức chia sẻ, năm nào cũng có sinh viên thực tập đến để xin thực tập thời gian dài, nhiều em có kiến thức rất sâu, bản thân ông hỗ trợ các em sinh viên về kinh nghiệm thực tế, các em lại bổ trợ cho ông những kiến thức nền về nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc cây trồng. Nhiều em sinh viên cảm phục tinh thần của ông nên càng phấn đấu nhiều hơn trong quá trình thực tập, từ đó trang bị kiến thức tốt cho những năm tháng sau này.

Hiện tại, mỗi năm ông Thức cung cấp cho thị trường từ 600 - 800 nghìn cây giống các loại cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và khu vực lân cận. Ông Thức nhận định, hiện nay nông nghiệp đang phát triển mạnh nên chính chúng ta không cải tiến sản xuất, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại sẽ không đem lại lợi nhuận cao và sẽ làm chúng ta lạc hậu hơn so với các nước lân cận. Chính vì thế, phải dám mạnh dạn áp dụng thử nghiệm, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hay để nông dân từng bước bắt kịp thời đại.

Với một nông dân không được đào tạo qua trường lớp bài bản, không học chuyên ngành nông nghiệp nhưng dám học hỏi, đầu tư và áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như ông Thức là điều đáng ghi nhận. Hướng tới, ông Thức còn hoàn chỉnh dự án mở rộng diện tích 3.000mvới tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng để đầu tư nhà màng, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới, rau sạch các loại cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ông Thức còn đầu tư trồng hơn 14.000mxoài Ngọc Dân cho năng suất cao, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Minh Bửu - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú nhận xét, ông Thức là nông dân giỏi về cả sản xuất nông nghiệp lẫn kinh nghiệm sống. Ông Thức luôn là người mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao là gương sáng để nông dân khác học hỏi, noi theo.

Từ những việc làm của mình đã giúp gia đình ông Thức thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng mỗi năm. Ông đã được trao tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh An Giang về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chí Trung-Xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu