TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310718
  TÀI LIỆU KHCN

  Đắk Nông: Đa dạng hóa cây trồng – giảm rủi ro, tăng thu nhập
20/11/2018

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu. Sự biến động bất thường của khí hậu không những dẫn tới sự gia tăng dịch hại, giảm năng suất cây trồng, còn có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác.

Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, mùa màng bị mất trắng do biến đổi khí hậu gây lũ lụt và hạn hán. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp canh tác cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề cần quan tâm và phải được thực hiện ngay.

Hiện nay, người dân đã áp dụng các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu. Một trong những điển hình áp dụng thành công tại Đắk Nông là anh Lê Văn Hồ, trú tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, đã có cách làm mới phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Với tổng diện tích đất 5 ha, được thuê dài hạn (15 năm), anh bố trí rất nhiều loại cây ăn quả như ổi, cam, quýt, mít, xoài, nhãn, táo, mận,… Trong thời điểm này, ổi và mít là cây cho thu nhập chính, còn các loại cây khác đang bắt đầu bước vào thời điểm cho quả. Để thuận tiện trong vấn đề chăm sóc, thu hoạch, anh thiết kế đất thành nhiều lô để trồng từng loại cây cho phù hợp. Theo anh, đa dạng hóa cây trồng một mặt chủ động được công lao động vì mỗi loại cây trồng có thời điểm chăm sóc, thu hoạch khác nhau, mặt khác hạn chế được sâu bệnh gây hại, tránh rủi ro khi giá cả lên xuống,…và có thu nhập quanh năm.

Anh Lê Văn Hồ đang chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình

 

Đối với cây mít Thái Nghệ, anh trồng xung quanh bờ lô, cứ khoảng 0,4- 0,5 ha anh trồng 01 hàng mít, cây cách cây 3m, với mục đích che bóng, chắn gió, tạo tiểu khí hậu mát mẻ, giúp các loại cây trồng khác sinh trưởng và phát triển, mặt khác còn tăng thu nhập. Sau trồng 18 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch chính. Thời gian từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch kéo dài khoảng 4 - 5 tháng. Để hoa ra tập trung, thuận tiện trong vấn đề chăm sóc, anh xử lý kích thích trước khi ra hoa. Trong thời gian mít nuôi quả, anh sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, đủ thành phần đạm, lân, kali, với lượng bón bình quân 0,3 kg/cây; mỗi tháng anh bón 01 lần và tùy theo theo thời điểm, anh điều chỉnh tỷ lệ N, P, K cho phù hợp. Với 500 cây mít, trong năm 2017, anh thu bói được 5.000 kg quả. Năm 2018, mỗi cây mít cho thu hoạch trung bình 100 kg quả, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, chi phí đầu tư trong năm cho 01 cây hết khoảng 800.000 đồng, lợi nhuận anh thu về là 600.000.000 đồng/năm/500 cây.

Về cây ổi, vườn nhà anh có tổng cộng 3.000 cây. Anh sử dụng giống ổi nữ hoàng, ổi ruột đỏ và ổi lai lê, trồng với khoảng cách 2,5 x 3 m, từ khi trồng đến lúc thu bói 4 tháng và bước vào thu hoạch chính là 8 tháng. Để cây ra hoa đồng loạt, anh sử dụng phân bón qua lá. Sau khi ra hoa, anh bổ sung các loại phân bón qua gốc với tỷ lệ N,P,K theo từng giai đoạn. Các loại phân này đều được nhập khẩu từ Mỹ, có nguồn gốc hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi ổi ra hoa được 1 tháng, anh tiến hành bao trái, từ khi bao trái đến lúc thu hoạch là 1 tháng. Trung bình mỗi cây ổi cho thu 40 kg quả/năm, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 360.000 đồng/cây/năm, với 3.000 cây ổi, tổng lợi nhuận anh thu được là trên 1 tỷ đồng/năm.

Với diện tích 2,5 ha ổi và 500 cây mít cho thu chính, trong thời gian qua, gia đình anh thu về 1.680.000.000 đồng. Với khoản tiền này, gia đình anh lại có vốn để đầu tư vào các loại cây trồng khác như cam, quýt, nhãn, táo…. Để đảm bảo thu nhập trong những năm sau, giữa các hàng ổi anh trồng xen cam, quýt với mục đích thu hoạch ổi ở phía dưới, còn phía trên thu hoạch cam, quýt.

Với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, phù hợp với lợi thế của vùng, áp dụng theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lê Văn Hồ là mô hình sản xuất hiệu quả, đáng được bà con nông dân lựa chọn tham quan học hỏi.

Nguyễn Thị Thảo-Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu