TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 19/4/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 314957
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Thức ăn chăn nuôi tăng giá, nông dân lại gặp khó.
24/10/2012

Nhờ tận dùng nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình ông Lương Thế Minh (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) giảm hơn 60% chi phí thức ăn cho heo.


Trong khi ngành chăn nuôi đang rơi vào tình trạng ảm đạm do giá cả liên tục giảm sâu thời gian qua và chưa có dấu hiệu phục hồi, nay giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trở lại khiến người chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn. Câu chuyện bỏ chuồng, giảm đàn và nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm lại được nhắc đến.

CÀNG NUÔI CÀNG LỖ

Theo ghi nhận của chúng tôi về thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN), thời gian qua giá TACN và nguyên liệu để chế biến TACN có nhiều biến động. Sau thời kỳ giảm nhẹ trong tháng 4 và 5, từ tháng 6 tới nay giá TACN tăng liên tiếp, tỷ lệ tăng trung bình từ 3 đến 4%/tháng. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, giá TACN có dấu hiệu tăng mạnh. Hiện giá cám hỗn hợp cho heo các loại dao động ở mức 12.000 – 16.000 đồng/kg, tăng từ 200 – 400 đồng/kg, tương đương từ 5.000 – 10.000 đồng/bao loại 25kg so với tháng 8-2012. Do giá tăng liên tục từ cuối năm 2011 đến nay nên giá TACN hiện nay đang đứng ở mức cao ngất ngưởng, từ 310.000 – 420.000 đồng/bao loại 25kg.

Theo một số đơn vị sản xuất TACN cho biết, nguyên nhân tăng giá TACN trong thời gian gần đây là do giá các loại nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài tăng mạnh như khô dầu đậu nành, dầu mỡ cá… buộc các doanh nghiệp phải đẩy giá TACN tăng theo. Hiện giá khô dầu đậu nành có giá hơn 15.600 đồng/kg, tăng 15,2%, mì lát hơn 5.500 đồng/kg, tăng 6% và cám gạo cũng tăng gần 10%, có giá hơn 6.700 đồng/kg.

Trong khi giá TACN không ngừng leo thang thì ngành chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi do giá heo hơi, giá gà chỉ mới tăng nhẹ và vẫn ở mức thấp. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi heo, vài tháng trở lại đây với giá bán khoảng 37.000 đồng/kg heo hơi, người chăn nuôi heo lỗ bình quân từ 800.000 - 1 triệu đồng/con loại 100kg xuất chuồng. Chị Vũ Thị Lượt (ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền), một người gắn bó với nghề nuôi heo chục năm qua, chia sẻ: “Trước đây với giá thức ăn công nghiệp khoảng 220.000 đồng/bao loại 25kg, giá bán heo hơi khoảng 38 – 40.000 đồng/kg người chăn nuôi đã lỗ. Nay giá TACN tăng cao, người chăn nuôi sẽ còn lỗ nặng”.

Thực tế, giá nguyên liệu thức ăn đầu vào tăng tới 30 – 40% so với hồi đầu năm đã tạo áp lực không nhỏ đối với ngành chăn nuôi hiện nay. Ông Nguyễn Thế Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền) cho biết, hiện trên địa bàn xã, số heo nuôi bằng thức ăn công nghiệp đã giảm khoảng 30 - 40%, số còn lại chủ yếu là nuôi cầm chừng bằng thức ăn tự chế biến.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các hộ chăn nuôi heo duy trì đàn heo hiện nay chủ yếu là có heo nái, không phải mua heo giống và một phần là các hộ có đại lý kinh doanh TACN mới dám đầu tư tái đàn.

Thức ăn chăn nuôi tăng giá, người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong ảnh: Ông Nguyễn Huỳnh Kiến (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) nuôi heo bằng cám công nghiệp.


CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN

Trong bối cảnh khó khăn, phần lớn người chăn nuôi đều ứng phó bằng cách bỏ chuồng, giảm số lượng nuôi, nuôi cầm chừng và chờ đợi thời cơ. Một số hộ tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, hoặc chuyển sang nuôi heo mọi, heo rừng lai để giảm chi phí thức ăn.

Từng nuôi heo chuồng và heo mọi số lượng lớn, nhưng thời gian gần đây giá heo chuồng giảm mạnh trong khi chi phí TACN lại cao, ông Lương Thế Minh (ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) đã chuyển hẳn sang nuôi heo rừng lai để tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên như: chuối, bèo lục bình, lá khoai, rau muống... Hiện đàn heo rừng lai của ông Minh có khoảng 70 con, từ đầu năm đến nay, ông đã xuất gần 9 tạ heo hơi, đàn heo thịt còn lại đang chăm sóc để phục vụ cho dịp Tết. Theo tính toán của ông Minh, với giá bình quân khoảng 90.000 đồng/kg, mỗi tấn thịt heo rừng lai hơi ông thu về khoảng gần 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lãi khoảng 50 triệu đồng. “Ưu điểm của heo rừng lai là ăn tạp, sức đề kháng tốt, dễ nuôi, đầu ra ổn định. Để sống được bằng nghề chăn nuôi, người nông dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư quá cao, càng nuôi nhỏ lẻ càng đuối sức và lỗ. Việc nuôi heo rừng lai để chủ động nguồn thức ăn đang là giải pháp hữu hiệu của tôi để duy trì nghề nuôi heo của gia đình” - ông Lương Thế Minh chia sẻ.

Vừa nấu rượu, vừa tận dụng hèm rượu, các thức ăn tự nhiên và thức ăn thừa của các nhà hàng dịch vụ để nuôi heo đã giúp chị Vũ Thị Lượt (cũng ở ấp Hải Sơn) duy trì được đàn heo hơn 40 con của gia đình và giảm hơn 50% chi phí thức ăn cho heo. Tuy nhiên, giá heo giảm mạnh như hiện tại, chị Lượt cũng chỉ có thể huề vốn để duy trì đàn heo chứ không có lãi. “Nếu nuôi heo bằng TACN công nghiệp, người chăn nuôi không thể trụ nổi với chi phí hiện nay” - chị Vũ Thị Lượt nói.

Có thể nói, việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm chi phí đầu tư đang là giải pháp hữu hiệu của nhiều hộ nông dân hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về mặt lâu dài cần phải ổn định giá TACN và tăng giá đầu ra cho sản phẩm thịt heo hơi.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng gần 304 ngàn con, trong đó có 134 trang trại chăn nuôi heo với số lượng 140.000 con, chiếm 46,1% tổng đàn. Được biết, số lượng heo đã giảm gần ¼ so với đầu năm 2012, do số hộ bỏ chuồng, giảm đàn tăng nhanh. Theo dự báo, giá TACN trong nước sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng cuối năm do nhu cầu thực phẩm sẽ tăng mạnh trong dịp này, đặc biệt là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Vì vậy, nguy cơ thiếu thực phẩm và đẩy giá lên cao trong dịp cuối năm là điều khó tránh khỏi.
                                                                                                               Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Do phần lớn nguyên liệu sản xuất TACN trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán để bù lỗ, dẫn đến giá TACN trong nước cũng tăng. Để ổn định giá TACN, Nhà nước cần phát triển các vùng nguyên liệu ngay trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất TACN, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Về lâu dài, đây sẽ là hướng đi hiệu quả cho ngành chăn nuôi.

(Bà Bùi Thị Nghị, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất TACN Hưng Long, Công ty CP Cao su Thống Nhất, TP. Bà Rịa).

Theo baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu