TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 29/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 311480
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Nhọc nhằn gieo chữ ở Gò Găng
26/10/2012

Cô Lê Thị Vô và các em học sinh lớp 1 tại trường Tiểu học Long Sơn cơ sở Gò Găng.


Không có hoa, không có quà tặng… với các giáo viên dạy học ở đảo Gò Găng (thôn 9, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày 20-11 cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Các giáo viên ở đây vẫn ngày ngày tận tụy lên lớp, kiên nhẫn giúp các em học sinh biết đọc, biết viết và biết nuôi dưỡng những ước mơ.

Gò Găng là một thôn đảo thuộc xã đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Năm 2008, cầu Gò Găng hoàn thành, nối thôn đảo với quốc lộ 51. Từ đây, đường sang đảo Gò Găng không còn bị biệt lập bởi sông nước, từ TP. Vũng Tàu sang thôn đảo cũng dễ dàng hơn. Thế nhưng, đến bây giờ việc dạy và học ở đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trường tiểu học Long Sơn cơ sở 2 (cơ sở Gò Găng) chỉ có 5 phòng học, mỗi lớp có 4 - 5 học sinh, lớp nhiều nhất là 8 em. Ít học trò, tưởng như người dạy sẽ nhàn hạ nhưng ngược lại, những giáo viên ở đây lại rất vất vả trong khi học sinh không mấy mặn mà với việc học.

Cô Huỳnh Thị Ngọc Đẹp, giáo viên lớp 5 cho biết, ngoài bảng đen phấn trắng, trường Tiểu học Long Sơn cơ sở Gò Găng không có bất cứ dụng cụ dạy học nào khác. Những hôm có tiết học quan trọng, cô phải về cơ sở 1 mượn đồ dùng dạy học về cho các em. Sau những giờ ra chơi ngắn ngủi, lớp học lại bắt đầu trong cái không khí oi nồng của những ngày tháng 11 mà không có quạt điện. Còn lớp 1 do cô Lê Thị Vô phụ trách có 5 em nhưng một em nghỉ học. Thỉnh thoảng những tiếng đánh vần của các em học sinh lớp 1 khiến không gian trường học đỡ quạnh hiu. Thế mà vừa đọc xong, em Nguyễn Thành Trung đã quay sang hỏi cô giáo: “Bài này học chưa cô?”. Cô Lê Thị Vô chia sẻ, các em học sinh ở Gò Găng tiếp thu bài rất chậm, lại hay quên nên dù lớp chỉ có 4-5 em nhưng việc giảng dạy cũng vất vả lắm. Dù vậy chỉ cần các em chịu đến lớp, chịu học bài là cô đã vui rồi. Hàng năm, cô thường đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em mình đến trường. Em nào vì lý do nhà xa, phụ huynh bệnh không chở đi học được, ngày hôm sau cô Vô lại dành thời gian ở nhà (xã Long Sơn) để dạy kèm các em mà không tính công. Thậm chí, có hôm cô còn cho các em ăn trưa, tắm rửa cho các em khi phụ huynh chưa kịp đón. “5 năm dạy học ở cơ sở Gò Găng, tôi biết hoàn cảnh của từng học sinh thôn này. Thương các em nên dù khó khăn đến mấy tôi cũng ráng dạy cho các em biết đọc, biết viết…”, cô Lê Thị Vô bày tỏ.

Cô Huỳnh Thị Kim Liên, phụ trách lớp 3 kể, mặc dù cùng một thôn nhưng ở Gò Găng có những nơi cách trường rất xa, các em phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới tới trường, nếu đi xe đạp cũng mất gần chừng đó thời gian. Vì vậy, trường chỉ học đến 10 giờ 30 mỗi sáng để dành thời gian cho các em về nhà. Hơn nữa, điều kiện sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên trẻ em Gò Găng cũng chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài thời gian đi học, hằng ngày các em phải phụ ba mẹ kéo rập, bắt cua, bắt móng tay, làm muối… Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên, 13 tuổi, học sinh lớp 5 của trường kể, mặc dù 7 giờ mới vào lớp nhưng ngày nào em cũng phải đi học từ 5 giờ 15 phút. “Dù mệt nhưng em vẫn cố gắng đi học vì biết rằng hằng ngày cô giáo vẫn không quản ngại khó khăn đến lớp, đợi chúng em. Cô giáo giúp em hiểu rằng cần phải cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống, để không còn vất vả như ba mẹ nữa..”, Cẩm Tiên nói.
                                                                                                                    Bài, ảnh: MINH TÂM

Theo baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu