TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 26/4/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 316424
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Có một dòng chảy của đờn ca tài tử
22/05/2014

Mặc dù không phải là chiếc nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) nhưng tại BR-VT, phong trào ĐCTT đã phát triển, lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Ngành văn hóa đã thực hiện nhiều giải pháp phát huy giá trị của ĐCTT để nó xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Một tiết mục đờn ca tài tử trong chương trình nghệ thuật “Điểm hẹn sông Dinh” do CLB Đờn ca tài tử tỉnh tổ chức hàng tháng.
Một tiết mục đờn ca tài tử trong chương trình nghệ thuật “Điểm hẹn sông Dinh” do CLB Đờn ca tài tử tỉnh tổ chức hàng tháng.

Những tín hiệu vui

BR-VT là vùng “đất lành chim đậu”, nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền đất nước về sinh sống, trong đó có người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ - quê hương của nghệ thuật ĐCTT. Trong quá trình di cư, các tầng lớp cư dân ấy đến BR-VT nhiều loại hình nghệ thuật dân gian của xứ sở mình, trong đó có nghệ thuật ĐCTT.

Theo các nghệ nhân ĐCTT lớn tuổi, thời gian đầu ở BR-VT chỉ có một vài “thầy đờn”gốc miền Tây truyền dạy ĐCTT cho những người yêu thích. Dần dà, phong trào lan rộng, số người tìm thầy để học đờn, học ca ngày càng đông. Dưới trăng thanh, gió mát, họ quây quần bên nhau, kẻ đờn, người ca để kết tình bè bạn. Nhiều người còn nhắc đến các “lò” dạy ĐCTT của thầy giáo Tấn ở huyện Long Điền (đã mất), ông Bảy Phụng ở TP.Bà Rịa, thầy Sáu Rạng ở huyện Tân Thành, thầy giáo Nguyễn Hồng Sanh (TP.Vũng Tàu)…

Ông Nguyễn Hồng Sanh (80 tuổi, ngụ tại 42 Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) là người có công lớn trong việc sưu tầm, lưu giữ và phổ biến các ấn phẩm về ĐCTT, cải lương, nhạc cụ cổ cho bạn đọc yêu văn nghệ thông qua hiệu sách cũ “Nhân đạo thư quán” của mình. Ông Sanh cho biết, ông rất mê ĐCTT. Ông từng tham gia vào ban đờn với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn và sáng tác được hàng trăm bài ca tài tử và cải lương.

Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).
Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).

Mặc dù sự phát triển của nhiều loại hình âm nhạc hiện đại có làm cho nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có ĐCTT gặp không ít khó khăn như: thiếu sân chơi, kén khán giả, thiếu đội ngũ kế thừa, nhưng ĐCTT vẫn còn là một dòng chảy văn hóa xuyên suốt trong đời sống tinh thần người dân BR-VT.Thầy Huệ Nhẫn, Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Tân Thành kiêm chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh, là người có công gầy dựng, duy trì và phát triển phong trào ĐCTT của huyện Tân Thành. Thầy cho biết, do yêu thích, đam mê ca cổ nên năm 2002, từ một nhóm ĐCTT nhỏ lẻ, thầy đã thành lập CLB ĐCTT huyện Tân Thành với 13 thành viên. Đến nay, CLB đã có 63 thành viên, độ tuổi từ 16-35. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phong trào ĐCTT ở địa phương.Ngoài sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để mở rộng giao lưu với các bạn yêu đờn ca ở các xã, thị trấn trong huyện, CLB còn tổ chức sinh hoạt riêng vào tối thứ 3,5,7 hàng tuần tại quán cà phê Tre Xanh (xã Tân Hòa) để các thành viên luyện ngón đờn, giọng ca.

Phát huy giá trị di sản

Nhiều CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, nỗ lực duy trì sân chơi cho người đam mê. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt mang tính nội bộ, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, hội, một số CLB đã tổ chức biểu diễn ĐCTT định kỳ hàng tháng, góp phần thúc đẩy phong trào ĐCTT trong tỉnh phát triển. Các CLB ĐCTT tiêu biểu như: CLB ĐCTT thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) với chương trình “Đêm biển gọi”; CLB ĐCTT phường Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) với chương trình “Đêm trăng rằm”; CLB ĐCTT tỉnh với chương trình “Điểm hẹn sông Dinh”… Các chương trình này đã tạo sân chơi lành mạnh, duy trì, phát triển nghệ thuật ĐCTT, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đờn ca của các tài tử; qua đó tạo được sự lan tỏa và đồng điệu với đông đảo công chúng địa phương.Bên cạnh đó, trong những năm qua, phong trào ĐCTT đã từng bước được nâng cao chất lượng, khẳng định là một sân chơi văn hóa, văn nghệ lớn thông qua việc tổ chức được 6 cuộc liên hoan ĐCTT cấp tỉnh. Các kỳ liên hoan đã thu hút 66 lượt đội với hơn 800 tài tử cùng 450 tiết mục ĐCTT được trình diễn.

Tài tử Trần Thị Phương Hiền (10 tuổi, đội ĐCTT huyện Đất Đỏ) thi diễn tại Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2014.
Tài tử Trần Thị Phương Hiền (10 tuổi, đội ĐCTT huyện Đất Đỏ) thi diễn tại Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2014.

Ông Võ Văn Tư, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh nhận xét, phong trào ĐCTT của tỉnh phát triển sâu rộng, có chất lượng, thu hút nhiều người tham gia. Điều này được khẳng định qua việc số lượng CLB, nhóm ĐCTT được thành lập đều khắp trong các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 59 CLB sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa cơ sở cùng nhiều nhóm ĐCTT chính thức và không chính thức tại thôn, ấp, khu phố…Đặc biệt, BR-VT cùng 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam vừa tham gia Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất tại tỉnh Bạc Liêu. Hoạt động làm cho phong trào ĐCTT của tỉnh bước sang giai đoạn mới, giai đoạn ĐCTT - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đi sâu, rộng vào đời sống cộng đồng.

Theo ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Sở VHTTDL sẽ xây dựng chương trình “Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động ĐCTT các cấp”, trên cơ sở đó xây dựng quy chế hoạt động của các CLB ĐCTT nhằm đưa hoạt động ĐCTT có tổ chức và chuyên nghiệp hơn. Sở cũng sẽ tổ chức các lớp dạy đờn và ca, trong đó, chú trọng đối tượng trẻ; đẩy mạnh công tác tập dợt, sinh hoạt, biểu diễn phục vụ công chúng của các CLB ĐCTT; giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước thông qua các hoạt động đối ngoại của tỉnh. Còn ông Võ Văn Tư thì cho rằng, cần duy trì các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn ĐCTT các cấp theo định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các tài tử, tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng hoạt động ĐCTT; tăng cường giao lưu với các CLB ĐCTT các tỉnh,thành để nghệ nhân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đờn ca; đầu tư cho các CLB ĐCTT về âm thanh, nhạc cụ phục vụ việc luyện tập và biểu diễn; xây dựng một ban đờn cấp tỉnh chuyên nghiệp để biểu diễn ĐCTT chuyên nghiệp.

Theo baobariavungtau.com.vn ngày 19/5/2014
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu