TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 27/7/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 330996
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Giữ gìn điệu múa Châu Ro
02/09/2017

Thầy Dương Văn Củng, GV trường Dân tộc nội trú tỉnh dạy các em trong CLB múa dân tộc của trường múa điệu múa dân tộc Châu Ro.

Người Châu Ro tại BR-VT có vốn văn hóa dân gian phong phú, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có các điệu múa. Qua thời gian, các điệu múa của người Châu Ro được lưu giữ, phát triển và sáng tạo thêm để tránh bị mai một.

KHÔNG ĐỂ MAI MỘT VĂN HÓA DÂN TỘC

 

Chúng tôi đến thăm Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vào chiều thứ Bảy (26-8) khi các em trong CLB múa dân tộc đang chăm chú làm theo từng động tác múa do thầy Dương Văn Củng (người Châu Ro, GV dạy múa của trường) hướng dẫn, chuẩn bị cho buổi diễn văn nghệ trong ngày khai giảng năm học mới. Thầy Củng cho biết, những động tác trong đời sống, sản xuất của người Châu Ro như: cầu mưa, vẩy nước tưới cây, trỉa hạt, mời khách… đã được chuyển tải thành những động tác múa đơn giản. Từ đó, thầy Củng sáng tạo thêm thành các bài múa mang đặc thù riêng của đồng bào Châu Ro và truyền dạy cho HS. Khi múa, những chiếc lục lạc trên tay các em phát ra âm thanh vui tươi, rộn rã.

Thầy Củng năm nay đã ngoài 40 tuổi, là người đam mê và học các bài múa Châu Ro từ khi 15 tuổi. “Tôi tìm, học hỏi từ những nghệ nhân, người lớn tuổi để bổ sung cho vốn hiểu biết về múa Châu Ro của mình, từ đó truyền lại cho các em để các em không quên văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, việc truyền dạy những động tác như: đâm lỗ, xoay người tra hạt hay đi gặt rất khó vì các em không hình dung được do không còn phải đi làm rẫy như các thế hệ trước”, thầy Củng nói.

Nghệ nhân Lý Thị Nhiễn (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) năm nay đã 76 tuổi. Gần 20 năm qua, bà luôn đau đáu với việc truyền dạy các điệu múa, cách đánh chiêng, làm đàn tre… của người Châu Ro cho thế hệ sau. “Ngoài bộ chiêng, người Châu Ro chúng tôi còn có một số bài dân ca và một số bài múa. Những điệu múa đơn giản, ngắn được những người sưu tầm phát triển bài bản hơn. Tôi đã có nhiều năm cùng cán bộ Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh dạy các em đánh chiêng, hát dân ca, múa… Tuy nhiên, việc truyền dạy chủ yếu bằng hình thức truyền miệng nên tôi rất lo các điệu múa sẽ mai một như một số loại kèn bầu, kèn môi, đàn của người Châu Ro giờ không còn ai biểu diễn được”, bà Nhiễn bày tỏ. Như bà Nhiễn, các động tác múa thông thường còn nhớ, còn những bài múa của các thầy cúng trong những dịp lễ hội trước đây của người Châu Ro thì bây giờ cũng không còn ai biết.

Động tác tra hạt (gieo hạt) được tái hiện sinh động qua điệu múa

GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY

Bà Nhiễn kể, trước đây, người Châu Ro sống thành những cụm dân cư, cùng nhau canh tác, cùng nhau sinh hoạt theo nếp văn hóa riêng. Ngoài các lễ hội: Yangra (cúng thần Lúa, tháng 11 âm lịch), Yangvri (cúng thần Rừng, tổ chức 3 năm một lần vào tháng 2 âm lịch), người Châu Ro còn có những buổi lễ ăn mừng mùa màng bội thu hoặc gia đình có chuyện vui. Vào dịp này, những gia đình Châu Ro rủ nhau quây quần quanh đống lửa, cùng đánh chiêng, ca hát và múa. Một số ngày lễ, đồng bào mời thầy cúng để xua đuổi tà ma, cầu cho cộng đồng dân cư những điều tốt lành. Nhưng hiện nay các điệu múa của thầy cúng Châu Ro đã không còn do nếp sinh hoạt của người Châu Ro đã khác trước. “Vì thế, ngoài việc dạy cách đánh chiêng, những động tác múa nào còn nhớ, tôi đều truyền lại cho các cháu”, bà Nhiễn nói. Thầy Đào Phước, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho hay, nhà trường cũng nỗ lực bảo tồn văn hóa Châu Ro bằng việc duy trì CLB múa dân tộc, hát dân ca Châu Ro suốt 17 năm qua với số lượng HS tham gia dao động từ 30-70 em.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tập bài múa dân tộc Châu Ro. Ảnh: MINH THANH

Theo ông Đinh Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Châu Đức, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh, những sinh hoạt đời thường được người Châu Ro đưa vào động tác múa như làm nương rẫy, bỏ lúa vô ống, tra hạt, thu hoạch, giã gạo, tế thần, chào khách, cầu mưa… được các cán bộ Nhà Văn hóa, Trường Dân tộc nội trú, một số biên đạo múa trên địa bàn tỉnh sưu tầm, phát triển thành những bài múa dài hơn, hay hơn để tập cho trẻ em Châu Ro vào dịp hè hàng năm. “Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh đang được xây mới, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2018, sẽ là nơi sinh hoạt của đồng bào, nơi truyền dạy cho các thế hệ trẻ nếp sinh hoạt văn hóa-văn nghệ đặc trưng của người Châu Ro. Tôi mong muốn phát triển các điệu múa Châu Ro bài bản hơn, thậm chí đưa vào giới thiệu tại các tour du lịch, để khách đến Nhà Văn hóa ngoài việc tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa dân tộc Châu Ro, còn được thưởng thức cơm lam, gà rừng, các món ăn dân tộc và những điệu múa Châu Ro bên bếp lửa. Cách làm này vừa gìn giữ được các di sản văn hóa tinh thần của người Châu Ro, vừa góp phần phát triển du lịch”, ông Thành chia sẻ.

Đoàn Ca múa nhạc tỉnh đã sưu tầm, học và phát triển một số bài múa từ những động tác múa nguyên mẫu của người Châu Ro, như: Hội mùa Châu Ro (biên đạo: NSƯT Hòa Hiếu) từng giành Huy chương Bạc tại Liên hoan các trường văn hóa-nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, Xuân Châu Ro (biên đạo: NSƯT Hòa Hiếu), Tiếng vọng non ngàn (biên đạo: NSND Lê Ngọc Canh), do Đoàn Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn đã đạt Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2004. Điều đó cho thấy múa dân gian dân tộc có sức mạnh, có giá trị bản sắc văn hóa. Nếu biết tìm tòi, sáng tạo, nâng cao và phát triển ngôn ngữ múa dân gian, các nhà biên đạo múa sẽ cho ra đời những tiết mục múa dân gian đặc sắc, mang giá trị cao, góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Châu Ro nói riêng.

(NSƯT Hòa Hiếu, Phó Trưởng Đoàn ca múa nhạc tỉnh)

 

Theo baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu