Trước
tiên, phải ngăn ngừa ốm ở những trẻ này bằng cách cho trẻ được sống trong một
môi trường vệ sinh, sạch sẽ, an toàn. Trẻ nhiễm HIV hệ thống miễn dịch bị suy
giảm nên có nguy cơ mắc các bệnh cao hơn những trẻ khác và nếu mắc thì bệnh
cũng diễn biến trầm trọng hơn. Vì vậy đối với các bệnh đã có vacxin phòng, cần
bảo đảm trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Với các bệnh thông thường khác, phải cách
ly trẻ xa với những trẻ ốm hoặc những người ốm, nhất là bệnh nhân lao.
Tạo cho
trẻ một cuộc sống gia đình khỏe mạnh, tình cảm.
Dạy,
hướng dẫn cho trẻ biết chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Tạo cho trẻ có thói
quen thường xuyên rửa tay, không chơi, hoặc ở gần các súc vật nuôi (chó,
mèo...). Đánh răng cho trẻ cho tới tận khi chúng có thể tự làm. Mỗi năm hai lần
cho trẻ đi khám răng miệng. Dấu hiệu đầu tiên của trẻ nhiễm HIV có thể là những
vết đau ở miệng. Hãy báo cho bác sĩ nha khoa để trẻ được thăm khám cẩn thận.
Đánh răng cho trẻ đúng cách như bác sĩ nha khoa hướng dẫn.
Về dinh
dưỡng, cần cho trẻ được nuôi dưỡng theo một chế độ ăn uống tốt nhất. Nên tham
khảo thầy thuốc về sự lựa chọn loại thức ăn phù hợp với cơ thể trẻ. Những trẻ
này thường biếng ăn, vì vậy nên thay đổi các món ăn cho đa dạng. Thức ăn cần
chế biến kỹ bảo đảm dễ tiêu hóa, ngon miệng. Thức ăn phải bảo đảm vệ sinh,
tươi, chế biến xong ăn ngay.
Hầu hết
trẻ đều hiếu động, tuy nhiên cũng cần khuyến khích động viên trẻ rèn luyện thân
thể, tập thể dục thường xuyên. Trẻ nhiễm HIV cần được ngủ nhiều, có thời gian
nghỉ ngơi nhiều hơn so với trẻ bình thường khác. Người thân nên dành nhiều thời
gian chơi, nói chuyện, ôm ấp trẻ. Đến bác sĩ để được tư vấn xem trẻ cần phải
dùng những loại thuốc gì, rồi cho uống đúng loại thuốc, đúng thời gian. Không
được cho trẻ uống các loại đồ uống kích thích, rượu... Giúp cho trẻ có một cuộc
sống bình thường như chơi, tiếp xúc bình thường với những đứa trẻ khác cùng
trang lứa.
Cần thông báo ngay
cho thầy thuốc khi thấy trẻ nhiễm HIV có những triệu chứng như: sốt; ho; thở
nhanh và khó; chán ăn và gầy sút nhanh; xuất hiện những đốm trắng hoặc những
vết đau trong miệng; xuất hiện những mụn không biến mất; đi ngoài phân có máu;
tiêu chảy, nôn mửa; tiếp xúc với người bị sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây
khác.
Bảo đảm
cho trẻ được điều trị và theo dõi liên tục. Trẻ nhiễm HIV có thể vẫn tiếp tục
khỏe mạnh trong một thời gian dài, nhưng để theo dõi được diễn biến sức khỏe
của trẻ cần thường xuyên cho trẻ được kiểm tra máu. Các tế bào CD4 có thể giúp
bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn, virut. Ở những trẻ nhiễm HIV, tế bào này
bị HIV tấn công phá hủy. Dựa vào kết quả xét nghiệm số lượng tế bào CD4, thầy
thuốc sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị.