BÀN TAY TIỂU ÐƯỜNG
Các gân gấp ở lòng bàn tay cũng dày lên (bệnh Dupuytren) khiến bàn tay và các ngón bị co rút, cong quặp lại như bàn chân chim. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chấn thương rất nhỏ, kín đáo, xảy ra trên người bị đái tháo đường (ÐTÐ) có sẵn biến chứng mạch máu nhỏ, các tổn thương ở gân trở thành sẹo xơ và làm cho gân rút lại dần. Bệnh thường tiến triển âm thầm, lúc đầu không gây đau đớn, bệnh nhân chỉ có cảm giác khó khăn khi co duỗi ngón tay bị bệnh cho đến khi ngón tay hoàn toàn cong gập và đau buốt. Việc điều trị các trường hợp này tương đối khó khăn, thường cho kết quả không như ý.
BỆNH DUPUYTREN (NGÓN TAY CÒ SÚNG)
Một dạng bệnh lý khác tương tự như trên nhưng đáp ứng khá tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật là bệnh lý ngón tay cò súng (hay còn gọi là ngón tay lò xo) vì bệnh nhân không thể tự mở bung ngón tay ra một khi đã cố gắng gập vào; Lúc gấp hay mở ngón tay, bệnh nhân có cảm giác như phải vượt qua nút chặn như khi bóp cò súng.
Ngoài ra, bệnh nhân ÐTÐ cũng thường đến bệnh viện trong tình trạng bị sưng đỏ ở cổ tay và rất đau khi làm những công việc thông thường như vắt quần áo, vặn tay ga xe máy hay cầm vật nặng (hội chứng De Quervain).
MỘT SỐ KHUYẾN CÁO
Ổn định đường huyết được coi là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa các biến chứng xương khớp cũng như các biến chứng ở những cơ quan khác của bệnh ÐTÐ. Ðiều này chỉ có thể thực hiện khi bệnh nhân kết hợp được các biện pháp điều trị (thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt) một cách bài bản và có hiệu quả. Vấn đề chăm sóc bàn chân cũng cần được quan tâm một cách đặc biệt và thực hiện có hệ thống như sau:
- Luôn giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo.
- Thường xuyên quan sát và kiểm tra bàn chân để kịp thời phát hiện những tổn thương hay bất thường dù nhỏ như: nốt chai, trầy xước, sưng, đau...
- Không đi chân đất dù ở trong nhà.
- Mang giày dép vừa vặn, êm ái, mềm mại và phù hợp (vớ, kiểu giày, mục đích sử dụng.).
- Tư vấn bác sĩ chuyên khoa nội tiết hay chuyên khoa khớp ngay khi phát hiện những bất thường.
NÊN
1. Theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu.
2. Ðiều trị ngay những bệnh khác kèm theo.
3. Có chế độ sinh hoạt, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý.
4. Chăm sóc bàn chân.
5. Ðến bác sĩ ngay khi:
- Sưng, đau.
- Mất cảm giác hay tê bì.
- Thay đổi màu da bất thường.
- Vết thương bàn chân.
- Giảm hoặc mất khả năng cử động một chi.
KHÔNG NÊN
1. Giữ các thói quen có hại:
- Ăn uống: không điều độ, khẩu phần mất cân đối.
- Sinh hoạt: quá sức hoặc quá thụ động, vệ sinh kém.
- Lối sống: hút thuốc lá; uống cà phê, rượu...
2. Dùng chung những dụng cụ có nguy cơ tổn thương (dụng cụ cắt móng, dao cạo...).
3. Tự ý sử dụng thuốc (loại thuốc, cách dùng, liều lượng.).
4. Chích lể, châm cứu thường xuyên.
Ðể kết luận, một lần nữa chúng tôi xin được lưu ý việc theo dõi thường xuyên và ổn định lượng đường trong máu là rất cần thiết trong mọi trường hợp và ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Bệnh lý xương khớp, đặc biệt ở người bệnh ÐTÐ, một khi đã xảy ra thì thường rất đa dạng, nhiều nguyên nhân và diễn biến khá phức tạp. Vấn đề điều trị vì thế cũng khác nhau tùy theo nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, trong khi hiệu quả lại hạn chế. Do đó, việc phòng ngừa và hạn chế các biến chứng là rất quan trọng. Về phía bệnh nhân, cần có sự quan tâm tự theo dõi, ngay khi phát hiện có những bất thường nên đến các cơ sở y tế và bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám kịp thời.