Lạm dụng kháng sinh cho trẻ nhỏ có thể gây viêm khớp dạng thấp, béo phì, hen phế quản... khi con trưởng thành.
Trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc các bệnh hô hấp thông thường như viêm phế quản, viêm họng, cảm cúm… do sức đề kháng kém. Bệnh tự khỏi sau 5-7 ngày nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, các triệu chứng đi kèm như ho, sốt, sổ mũi... khiến nhiều cha mẹ lo lắng, tự ý cho bé dùng kháng sinh để mau khỏi. Theo chuyên gia, lạm dụng kháng sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé sau này.
Viêm khớp dạng thấp
Nghiên cứu công bố tại Hội nghị thường niên College of Rheumatology năm 2014, Boston (Mỹ) cho biết, sử dụng kháng sinh ở trẻ em làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp ở tuổi vị thành niên (chứng viêm khớp thiếu niên). Đặc biệt, nguy cơ tăng cao nếu trẻ tiếp xúc với kháng sinh sớm và nhiều loại.
Nghiên cứu thực hiện trên gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tại Anh. Kết quả cho thấy, có 153 bệnh nhân bị viêm khớp thiếu niên và 1.530 người khác không có bệnh.
Hen phế quản
|
Các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi... khiến cha mẹ lo lắng. Ảnh: Pixshar. |
Các nhà khoa học cũng tìm thấy mối liên quan giữa kháng sinh và bệnh hen. Nếu trẻ sử dụng kháng sinh trước 6 tháng tuổi, nguy cơ mắc hen suyễn khi lớn lên cao hơn 40%. Nguy cơ này có thể tăng đến 70% nếu trẻ dùng kháng sinh trên một lần.
Béo phì
Béo phì do kháng sinh được các nhà nghiên cứu Đại học Pennsylvania và trường Y tế công cộng Johns Hopkins-Bloomberg (Mỹ) tiến hành năm 2014 trên 64.500 trẻ, theo dõi từ khi sinh ra đến 5 tuổi. Kết quả cho thấy, trẻ dưới 2 tuổi điều trị trên 4 đợt kháng sinh có nguy cơ béo phì cao hơn 10% và tăng chỉ số khối cơ thể trong 3 năm tiếp theo.
Viêm ruột màng giả
Vi khuẩn clostridium difficile là nguyên nhân gây bệnh viêm ruột màng giả. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, có khoảng 17.000 trẻ em 1-17 tuổi nhiễm vi khuẩn clostridium difficile mỗi năm. Dùng kháng sinh là yếu tố nguy cơ lớn nhất khiến clostridium difficile phát triển và lây nhiễm cho cả người lớn và trẻ em. Kháng sinh loại bỏ vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng trong vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể nhiễm clostridium difficile từ môi trường xung quanh.
Theo một nghiên cứu khác công bố trên Tạp chí Pediatrics, trẻ bị nhiễm khuẩn clostridium difficile thường được kê đơn kháng sinh trong vòng 12 tuần trước đó. Độc tố của vi khuẩn này tác động lên niêm mạc ruột, gây mất chức năng của ruột và tạo thành các lớp màng giả mạc. Khi lớp màng giả này bong tróc gây chảy máu sẽ khiến trẻ ăn uống không ngon miệng,rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy, đau bụng âm ỉ...), thậm chí đi tiêu ra máu.
Hiện tượng kháng thuốc
Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Tại Mỹ, có khoảng 11,4 triệu đơn thuốc kháng sinh được kê không cần thiết cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ở Việt Nam, khảo sát do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, dù kháng sinh là thuốc kê đơn, song có đến 88% các hiệu thuốc ở thành thị và 91% ở nông thôn tự do kinh doanh. Ngoài ra, kháng sinh không có tác dụng với virus, nhưng 85% trường hợp viêm đường hô hấp do virus được bác sĩ kê toa kháng sinh.
Việc lạm dụng hoặc dùng sai thuốc kháng sinh khiến quá trình kháng thuốc của vi khuẩn diễn ra nhanh hơn, sinh ra các vi khuẩn mang gen siêu kháng thuốc. Theo chuyên gia, cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Đối với các bệnh do virus và triệu chứng ho, cảm thông thường... có thể dùng các dược liệu an toàn.