Nhiều năm nuôi gà, vịt nhưng mỗi lần có có dịch cúm gia cầm, nhà chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (tổ 16, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành) lại điêu đứng. “Mỗi lần dịch bệnh, nhà tôi lại mất đến cả trăm con gà, vịt. Vừa tiếc tiền, lại tiếc công chăm sóc, trị bệnh mà gà vịt vẫn chết khiến tôi có thời gian không ăn không ngủ được”, chị Hạnh kể về quãng thời gian 2 năm trước. Còn bây giờ, việc nuôi gà, vịt với chị Hạnh đã trở nên dễ dàng hơn nhờ những kiến thức chị học được từ lớp “Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi” do phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Nông dân tỉnh tổ chức. Qua 3 tháng học tập theo phương pháp cầm tay chỉ việc, chị Hạnh đã nắm được những kiến thức cơ bản về các loại thuốc thú y; các dịch bệnh thường gặp ở đàn gia súc, gia cầm và cách điều trị bệnh…
Gia đình anh Đỗ Văn Bạo (thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha) có hơn 6.500m2 đất trồng cây cảnh và bon sai. Say mê với nghề tạo dáng cây cảnh, anh Bạo thường rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh để mua cây phôi về tự tạo dáng. Những năm đầu mới vào nghề, anh làm bằng kinh nghiệm bản thân nên giá trị của những cây cảnh, bon sai anh làm ra không cao, nhiều cây phôi khi mua về bị nấm, sâu bệnh.
Tháng 9-2014, qua Hội Nông dân xã Châu Pha, anh Bạo biết về lớp học “Tạo dáng và chăm sóc cây cảnh” và đăng ký tham gia. Sau 3 tháng tham gia học tập, với nền tảng vốn có của bản thân, bổ trợ thêm những kiến thức khoa học về chăm sóc và tạo dáng cây cảnh, anh Bạo đã tự tin cải tạo lại cây cảnh trong vườn nhà mình. Anh Bạo nói: “Trước đây tôi cứ nghĩ cây nào muốn thành cây cảnh cũng vậy, cứ cắt tỉa, rồi uốn là sẽ thành. Nhưng sau khi tham gia lớp học tôi mới biết rằng mỗi loại cây sẽ có những kiểu dáng và cách chăm sóc khác nhau”. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng cho cây, hiện nay vườn bon sai của gia đình anh Bạo phát triển tốt, mỗi năm cho lãi 60 đến 70 triệu đồng. Với mức thu nhập ấy, cuối năm 2015 anh chị đã xây được ngôi nhà kiên cố, thay cho ngôi nhà cũ dột nát trước đây.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha cho biết: “ Tham gia các lớp dạy nghề chăn nuôi thú y hay tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, bà con rất hào hứng. Tuy nhiên, do mỗi lớp học chỉ huấn luyện được cho từ 25 đến 30 người nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của bà con nông dân”.
Năm 2014, sau khi nhận chuyển giao chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ phòng LĐTBXH, phòng NN-PTNT huyện Tân Thành đã chủ động việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân các xã, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, phù hợp với nhu cầu của người dân. Theo đó, đến nay, huyện đã tổ chức được 6 lớp đào tạo nghề nông. 180 học viên sau khi tham gia các lớp học đa phần đã áp dụng tốt kiến thức vào thực tế sản xuất, mang đến hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Tấn Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thành đề nghị: “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ được các sở, ngành tổ chức thêm các lớp tập huấn về công tác quản lý, đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ phụ trách đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương”.
- Không chủ quan với bệnh cườm nước. (15/03/2018)
- Đường dây đánh bạc liên quan cựu cục trưởng C50 bị phát giác thế nào? (13/03/2018)
- Sở Du lịch và VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu: Hợp tác phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT. (12/03/2018)
- Những bài giảng sinh động từ tình yêu trẻ. (12/03/2018)
- Về làng chài nghe hát bả trạo. (09/03/2018)
- Cảnh giác ao xoáy khi tắm biển. (09/03/2018)
- Áo dài cách tân hút khách ngày 8/3 (08/03/2018)
- Khách Tây: 'Hiếm lúc nào thấy phụ nữ Việt ngơi tay làm việc' (08/03/2018)
- Sáng nay tàu sân bay Mỹ vào vịnh Đà Nẵng (05/03/2018)
- Một thanh niên vượt nhiều lớp an ninh đột nhập lên máy bay ở Vinh (04/03/2018)