Nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
13/09/2017

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Xuyên Mộc do Hội Nông dân triển khai đã giúp nhiều hội viên, nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Na (khu phố Láng Sim, TT. Phước Bửu) chăm sóc vườn rau.

Chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Na (khu phố Láng Sim, TT. Phước Bửu) khi bà đang bận rộn nhổ cỏ cho vườn rau xanh. Bà Na cho biết, gia đình bà trồng rau đã 20 năm nay, với diện tích 1.500m2 chuyên trồng các loại: cải ngọt, cải xanh, xà lách, dền, húng cây… Mỗi tháng bà xuất bán hơn 1,2 tấn rau các loại, tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Với giá rau hiện nay từ 10-17 ngàn đồng/1kg tùy loại, gia đình bà Na thu về gần 20 triệu đồng/tháng. 

Để rau cho năng suất cao, bà tham gia các lớp tập huấn ứng dụng KHKT vào trồng trọt do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Nhờ vậy, từ việc chỉ trồng rau theo kinh nghiệm trước đây, bà Na đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, nên năng suất tăng lên. Tháng 9-2016, Trung tâm ứng dụng công nghệ (Sở KH-CN) đã lấy vườn rau của bà Na làm mô hình thí điểm để làm hàng rào lưới ngăn bướm và các sinh vật thâm nhập hại rau. Vì vậy, các loại sâu bệnh trên cây rau đã giảm đáng kể. “Trồng rau không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải đầu tư kỹ lưỡng từ khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc cho đến khi xuất bán. Rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên rau làm ra đến đâu mọi người đều đặt hàng lấy hết, có những thời điểm rau không đủ bán”, bà Na vui vẻ cho hay.

Chị Nguyễn Thị Lan (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc dưa lưới.

Nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cũng luôn học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Lan, trồng dưa lưới tại ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, là một điển hình nông dân sản xuất giỏi. Chị Lan cho biết, gia đình chị đã trồng dưa nhiều năm, nhưng chỉ có giống dưa lưới mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để dưa lưới cho năng suất, chất lượng thì phải trồng trên đất cát, nên chị Lan đã thuê 2ha đất tại ấp Hồ Tràm để trồng dưa. 

Thế nhưng, kỹ thuật và đầu tư vốn cho dưa lưới cao hơn rất nhiều so với dưa hấu, dưa lê. Vì vậy, chị Lan đã tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ thuật trồng dưa lưới. “Đối với dưa lưới phải tưới 2 lần/ngày vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Nếu tưới vào chiều muộn thì độ ẩm trong đất sẽ cao làm dưa rất dễ bị nấm bệnh. Khi cây bắt đầu ra ngọn, ra quả thì phải tỉa ngọn, tỉa quả và chỉ để 2 quả/dây. Nếu để quả quá nhiều trên cùng 1 dây thì quả nhỏ năng suất kém”, chị Lan nói. Chính nhờ áp dụng KHKT và chăm sóc đúng cách, nên vườn dưa của chị Lan luôn đạt 30 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 15 ngàn đồng/kg tại vườn, trừ chi phí chị Lan thu về hơn 300 triệu đồng/vụ. Không những vậy, chị Lan còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng.  

Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, trên địa bàn huyện có 9.755 hội viên nông dân đăng ký danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Qua phong trào này, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nông dân tự thân vươn lên làm giàu. Vì vậy, để tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt KHKT, tránh được những rủi ro trong chăn nuôi, trồng trọt, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các sở, ngành, công ty tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các xã phối hợp với các ngành chức năng đưa nông dân đi học hỏi các mô hình kinh doanh, sản xuất giỏi từ các tỉnh bạn để về ứng dụng tại địa phương. Đến nay, Hội Nông dân huyện cũng đã xây dựng được nguồn quỹ hỗ trợ nông dân hơn 872 triệu đồng cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.


Số lượt đọc: 3102 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác