Về làng chài nghe hát bả trạo.
09/03/2018

Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật độc đáo, du nhập từ các tỉnh miền Trung đến các địa phương ven biển BR-VT. Tại tỉnh BR-VT hiện có 2 đội hát bả trạo ở Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) và Dinh Ông Nam Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), biểu diễn vào các dịp lễ cúng Dinh.

NHỮNG NGHỆ SĨ HÁT BẢ TRẠO

Tiết mục hát bả trạo tại chương trình nghệ thuật Khai hội Văn hóa - Du lịch tỉnh BR-VT năm 2018.

Để chuẩn bị phục vụ Lễ hội Dinh Cô Long Hải (từ ngày 8 đến 12-2 âm lịch), vào các buổi chiều, ông Nguyễn Văn Lĩnh, Đội trưởng Đội chèo của Dinh lại tập hợp các thành viên trong đội để tập hát bả trạo. Giọng anh “tổng lái” Nguyễn Thái Bạch lúc ngân vang, khi nhấn nhá từng nốt nhạc: “Tháng Giêng là tháng đầu năm đầu”. Đáp lại là tiếng của ông Lĩnh trong vai “bạn ghe”: “Các cô thiếu nữ da hầu đu chơi đu”. “Tháng Hai hoa nở chu hồng chu/Ngọc còn ẩn bóng phù du tôn thần…”, cứ thế, hai bên cùng hát, cùng đưa đẩy lời bài hát. Anh tổng lái hát với giọng dứt khoát, bạn ghe đáp lời theo nhịp điệu của ca khúc Bài 12 tháng.

Bài hát kể về 12 tháng của những ngư dân trên biển, với những lời lẽ hóm hỉnh và tươi vui. Cùng với lời hát là hành động đưa - đẩy mái chèo mô phỏng hoạt động chèo thuyền trên biển. Anh Nguyễn Thái Bạch, thành viên Đội chèo Dinh Cô Long Hải cho hay, 17 thành viên trong đội mỗi người một nghề: Người đi biển, người làm công nhân, người phụ hồ… nhưng gần đến ngày giỗ Cô (10-2 âm lịch), mọi người lại thu xếp thời gian để tập luyện cùng nhau. “Các em không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ diễn 3 lần vào dịp tháng 2, tháng 4 và tháng 6 âm lịch nên việc quên lời, quên động tác là khó tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi phải tập dợt thật kỹ để mọi người nhuần nhuyễn lời hát cũng như các động tác khi lên sân khấu”, ông Lĩnh nói. 

Anh Nguyễn Thái Bạch, hiện là công nhân đóng tàu tại TP. Vũng Tàu cho biết, năm 2006, khi còn là bạn ghe, anh đã tập hát bả trạo. Ban đầu, anh chỉ đóng vai bạn ghe, nhịp theo những lời ca của tổng lái. Khi đã thuần thục, anh được giao đóng vai tổng khoan, tổng lái. “Việc nhớ lời bài hát rất khó. Khi mới tham gia đội chèo, tôi phải học cả tuần lễ mới thuộc được lời bài hát và phải mất vài tháng mới hát chuẩn. Hiện nay, tôi dù không còn đi biển nhưng tôi vẫn sinh hoạt cùng đội vì niềm đam mê hát bả trạo và lòng biết ơn Cô”, anh Bạch chia sẻ.

Theo lời giới thiệu của đội chèo Dinh Cô, chúng tôi tìm đến Đội hát Dinh Ông Nam Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). Ông Dương Văn Tám (Phó Ban Tư lễ của Dinh) và ông Lê Văn Huề (Trưởng Ban) đang dợt bài “Nghinh thủy thần”. Giọng ông Tám vang xa: “Nay là thanh hải yếu, lại thêm một trận phong điều. Nay ngày lành vạn lạch cầu ngư, rước Ông tới ngai vàng chứng lễ…”. Dứt lời, hai ông vào soạn những bộ đồ của tổng lái,  tổng khương (khoan), tổng mũi và 12 bộ áo của bạn ghe. “Chuẩn bị lễ Nghinh Ông (từ 15 đến 17-2 âm lịch), chúng tôi đang đợi thuyền cập bến để tập hợp các em trong đội hát nhằm phục vụ lễ được chu đáo”, ông Tám nói.

GIỮ GÌN BỘ MÔN NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO

Ông Lê Văn Huề (trái) và ông Dương Văn Tám sắp xếp trang phục cho đội hát bả trạo của Dinh Ông Nam Hải.

Theo các cụ cao niên tại Dinh Cô và Dinh Ông Nam Hải, hát bả trạo là những lời tế, thể hiện sự biết ơn thần Nam Hải (cá Ông) của người đi biển, vì đã phù trợ cho ngư dân gặp may mắn, có những chuyến biển an toàn. Những lời tế ấy, được thêm bớt theo thời gian, trở thành giai điệu khi mạnh mẽ, khi nhấn nhá để động viên bạn ghe.

Tại Dinh Cô, hát bả trạo xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước và được duy trì hàng năm vào các dịp cúng lớn: Tháng 2, 4, 6 âm lịch. Còn tại Dinh Ông Nam Hải, hát bả trạo có từ thế kỷ XVIII, được thực hiện trong nghi thức cúng mỗi năm 2 lần (tháng 2 và tháng 7 âm lịch). Tuy nhiên, do các thành viên trong đội hát đều phải mưu sinh, chỉ tập trung vào dịp lễ để tập hát nên bộ môn nghệ thuật này chưa phổ biến. Các nghệ sĩ hát bả trạo đều là những người nghiệp dư, phần lớn được lựa chọn từ những người đi biển, có giọng hát tốt, khỏe.

Đội chèo của Dinh Cô hiện có 17 người. Khi thế hệ lớn tuổi mất đi hoặc không thể tiếp tục tham gia do tuổi tác, những thế hệ trẻ hơn sẽ được đôn lên, tiếp tục giữ những vị trí quan trọng trong đội. Đội hát của Dinh Ông Nam Hải thì ngoài 15 thành viên chính còn có 15 thành viên dự bị, sẵn sàng thay thế khi các thành viên chính vắng mặt.

Một tín hiệu vui đối với hát bả trạo là tại chương trình nghệ thuật Khai hội Văn hóa - Du lịch tỉnh BR-VT năm 2018 diễn ra tối mùng 8 Tết vừa qua, trích đoạn hát bả trạo của Đội chèo Dinh Cô đã được giới thiệu trên sân khấu và được hơn 10.000 khán giả có mặt tại chương trình đón nhận nhiệt liệt. “Chúng tôi vừa vui, vừa tự hào vì hát bả trạo đã được nhiều người biết đến. Điều này đòi hỏi chúng tôi càng phải trân trọng, gìn giữ bộ môn nghệ thuật này”, ông Lĩnh cho hay.


Số lượt đọc: 1759 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác