Hiện nay, BR-VT đang ở cuối mùa gió chướng, tại các bãi tắm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều ao xoáy. Đây là hiện tượng tự nhiên, có tính chu kỳ, do đó hiểu biết nguyên nhân, cơ chế hình thành, cách thoát khỏi ao xoáy, cũng như chấp hành nghiêm nội quy bãi tắm… là cách bảo vệ tính mạng hiệu quả nhất cho người tắm biển.
MỘT PHÚT LƠ LÀ
Những chiếc ao lộ ra khi nước biển rút.
“Có người đuối nước. Cứu với, cứu với!”. Tiếng kêu chưa dứt, 3 cứu hộ viên đã lao ra biển về hướng lá cờ đen có 2 cánh tay đang chới với. Chỉ vài giây sau, 3 nạn nhân nữ đã được các cứu hộ viên tiếp cận và đưa vào bờ trong tình trạng bất động, mắt nhắm nghiền, môi tím tái. Trên bãi cát, một nhóm cứu hộ khác đã đợi sẵn, thay phiên nhau vừa vác xốc nạn nhân, vừa chạy. Thấy nạn nhận đã ói hết nước, các cứu hộ dừng lại kiểm tra mạch và nhịp thở. “2 người đã có nhịp thở, đề nghị bà con không vây quanh cho nạn nhân có không gian thở. Còn 1 người vẫn nghẹn thức ăn, chưa ói nước biển ra được, cắn lưỡi và có dấu hiệu ngưng thở. Giang vác xốc nước tiếp, Tuấn cạy miệng để nạn nhân ói ra cho bằng được”, cứu hộ viên Bùi Nguyên Tuấn, thuộc Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu phân công. Rồi một tiếng la lên mừng rỡ: “Ói, ói được rồi, đặt xuống tiếp tục hô hấp”. “Thở đi chị, cố thở đi chị”, sau hơn 10 phút vừa hô hấp nhân tạo bằng miệng, kết hợp xoa bóp lồng ngực, tiếng nhiều người reo vui: “Sống rồi, sống rồi”.
Đó là cảnh cứu nạn ngoạn mục mà chúng tôi được chứng kiến sáng thứ Ba (6-3) tại Bãi Sau. Đây là 3 trong hơn 200 trường hợp khách tắm biển bị lọt ao xoáy, lật phao, trôi phao được lực lượng cứu hộ cứu thành công từ đầu năm đến nay. Cứu hộ viên Bùi Nguyên Tuấn cho hay: “BR-VT đang ở cuối mùa gió chướng. Các ao xoáy thu hẹp dần do được cát lấp đầy. Tuy nhiên, khi thủy triều lên, những chỗ trũng do ao xoáy để lại vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tắm biển. Chúng tôi luôn thổi còi nhắc nhở khách không tắm gần khu vực cờ đen vì chỉ cần lơ là 1 chút là bị cuốn vào ao xoáy ngay”, anh Tuấn nói.
BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO KHÁCH TẮM BIỂN
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu, người có hơn 20 năm làm cứu hộ bãi biển, ao xoáy là hiện tượng tự nhiên, có tính chu kỳ, phụ thuộc vào mùa gió và con nước. Các vùng biển của BR-VT, từ Bình Châu - Hồ Cốc - Hồ Tràm - Lộc An - Long Hải đến Cửa Lấp - Bãi Sau không có vật cản nên từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh thổi từ biển vào, tạo hướng đến của sóng một góc 25 độ so với đường bờ biển. Những cuộn sóng đến và những cuộn sóng rút xuống va chạm vào nhau, kết hợp gió lớn làm dịch chuyển mạnh một lớp cát dày trên bề mặt, tạo thành những lỗ trũng trên biển, gọi là ao xoáy. Ao xoáy có thể dài 260m và sâu gần 1,5m (so với mặt biển). Biển động mạnh kết hợp sóng lớn làm ao xoáy dịch chuyển với vận tốc 4m/ngày đêm. Từ tháng 3 âm lịch trở đi, gió mùa Đông Bắc hết dần, gió Tây Nam bắt đầu hoạt động theo chiều ngược lại kéo cát lấp đầy các ao xoáy.
Để bảo đảm an toàn cho bản thân, du khách cần chấp hành nghiêm các quy định của bãi tắm. Trong ảnh: Du khách tắm biển tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu.
Trước hiện tượng tự nhiên, có tính chu kỳ này, để bảo đảm an toàn cho khách tắm biển, lực lượng cứu hộ bãi biển thường xuyên theo dõi vị trí, sự dịch chuyển của dòng nước và cắm cờ đen cảnh báo ao xoáy, vùng nước chảy siết ở tất cả các bãi tắm đang khai thác phục vụ du lịch. Đội ngũ cứu hộ, nhân viên y tế túc trực liên tục trên bãi biển, sử dụng còi hiệu nhắc nhở du khách tắm xa vùng nguy hiểm. Cuối tuần, lễ, tết khách đông, các KDL đều tăng cường lực lượng cứu hộ trên bãi biển. “8 nhân viên cứu hộ của KDL thường xuyên quan sát, thổi còi, vẫy tay nhắc nhở khách. Nếu khách mải mê tắm biển không nghe được còi hiệu thì cứu hộ chạy ca nô tiếp cận, yêu cầu khách tránh xa vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều vị khách không hợp tác khi được nhắc nhở”, ông Trần Văn Phát, Phó Giám đốc KDL Gió Biển (Bãi Sau, TP.Vũng Tàu) cho hay.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hàng năm, Sở đều tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cứu đuối cho đội ngũ làm công tác cứu hộ bờ biển, hồ bơi. Vào những dịp cao điểm, Sở đều có văn bản nhắc nhở các KDL, bãi tắm tăng cường cứu hộ, biển bảng cảnh báo và các phương tiện phục vụ công tác cứu hộ bảo đảm an toàn cho du khách. Sở cũng đề nghị các địa phương kiên quyết không cho người dân và du khách xuống tắm ở những bãi tắm tự phát không có lực lượng cứu hộ, vắng người qua lại; đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát các quy định của pháp luật cải thiện thu nhập cho lực lượng cứu hộ viên nhằm giữ chân họ và bổ sung biên chế cứu hộ cho các địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đồng ý triển khai dự án Ứng dụng hệ thống công nghệ cảnh báo, phát hiện sớm ao xoáy và giám sát bãi biển nâng cao an toàn bơi tại Bãi Sau (từ khách sạn Tháng Mười đến chân dốc Nghinh Phong). Công nghệ này xuất xứ từ Hà Lan do Đại học Công nghệ Delft phát triển và triển khai. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong năm 2018.
“BR-VT sắp bước vào mùa mưa, thủy triều lớn kết hợp gió Tây Nam từ đất liền thổi ra, dễ gây nên tình trạng trôi phao, lật phao cho người tắm biển. Đây cũng là mùa đông khách du lịch nhất trong năm. BR-VT luôn rộng tay đón chào và rất quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn, cho du khách một kỳ du lịch vui tươi, an toàn. Thế nhưng, chúng tôi cũng mong du khách hợp tác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của bãi tắm để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc”, đồng chí Trịnh Hàng nói.
Không tắm gần vùng có cờ đen
Khi nước lên, lực hút nước vào ao xoáy rất mạnh, cuốn người tắm biển vào theo. Lực lượng cứu hộ khoanh vùng ao xoáy và cảnh báo nguy hiểm bằng cách cắm cờ đen quanh ao xoáy. Vị trí cờ đen thường nằm ở đầu, cuối, hai bên thân ao. Số lượng cờ nhiều hay ít tùy thuộc vào diện tích ao. Ở những ao sâu trên 1,5m khi nước lên đầy, ngay phần sâu nhất thường có thêm 1 cờ đen nữa. Khi xuống bãi tắm, người tắm biển cần quan sát khu vực có cờ đen, tắm xa vùng có cờ đen tối thiểu 5m để tránh bị nước cuốn vào ao xoáy.
Cách thoát khỏi ao xoáy
Ao xoáy thường nông ở phần đầu, sâu dần về phía đuôi và mở ra biển. Khi lọt ao xoáy, theo quán tính, người tắm biển sẽ bị đẩy ra xa bờ. Người biết bơi cần bình tĩnh, thả lỏng và giữ nổi cơ thể, bơi theo dòng nước một đoạn, sau vài giây rồi khéo léo bơi chếch khoảng 15 độ lách khỏi dòng nước để thoát khỏi ao xoáy, không nên gắng sức bơi ngược dòng nước. Sau đó, hít thở đều rồi từ từ bơi vào bờ sẽ an toàn tính mạng. Với người không biết bơi, trong lúc tắm biển, nếu cảm giác nước xoáy mạnh, cát dưới chân sụt dần có nghĩa là đang lọt vào ao xoáy, cần nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực và vẫy tay kêu cứu.
(Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu)
- Nến thơm, "kẻ giết người thầm lặng" trong nhà bạn (18/04/2016)
- Ăn chay cũng cần biết cách (18/04/2016)
- Hàng trăm học viên cai nghiện phá trại, trốn vào rừng (14/04/2016)
- Thủ tướng được đề nghị làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh (11/04/2016)
- Nhiều trường hợp được miễn giảm học phí (11/04/2016)
- Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (11/04/2016)
- Tuyển trẻ Vovinam BR-VT giao hữu với tuyển trẻ Bình Dương. (05/04/2016)
- Nhiều hoạt động chào mừng 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (21/03/2016)
- Mai mực: giảm đau, cầm máu (21/03/2016)
- Những cơ quan bị tổn thương do bệnh tiểu đường (21/03/2016)