Nắng nóng kéo dài, lượng mưa trung bình giảm: Nỗ lực để không xảy ra thiếu nước cục bộ.
17/03/2019

Năm nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa trung bình giảm khiến trữ lượng nước trong các hồ chứa đã xuống thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nguy cơ thiếu nước cục bộ trong sản xuất nông nghiệp đã hiện rõ, đặc biệt là ở các vùng cao.

Cơ quan chức năng khuyến cáo để thuận lợi cho việc điều tiết nước tưới, bà con nông dân cần gieo sạ đúng thời vụ của Sở NN-PTNT. Trong ảnh: Nông dân gieo sạ vụ Hè Thu tại ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền.

Mùa khô năm nay, một số vùng cao tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc đã xuất hiện tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà Vũ Thị Thu (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết: Các năm trước, với hơn 1ha hồ tiêu của gia đình thì chỉ cần một giếng bơm là có thể tưới phủ hết. Nhưng năm nay, nắng nóng kéo dài, nguồn nước ngầm cạn kiệt, gia đình buộc phải khoan thêm một giếng sâu 70m mới đủ nguồn nước tưới cho vườn tiêu. Chưa nói đến nỗi lo về chi phí tưới tăng thêm, bà Thu còn phải lo thêm nếu nắng nóng cứ tiếp tục kéo dài thì 2 cái giếng khoan rồi cũng sẽ không đủ cấp nước cho vườn tiêu.

Theo ông Văn Thanh Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện có khoảng 560ha diện tích hồ tiêu và cây ăn trái sử dụng nước giếng khoan và đang trong tình trạng thiếu nước. Dù chưa có những hậu quả nghiêm trọng, nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng sẽ ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, năm nay tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với mọi năm. Lượng mưa đo được ở khu vực có các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều thấp, đặc biệt, một số nơi giảm mạnh như hồ Sông Ray 523mm, giảm 950mm so với 2017, hồ Đá Đen 1.250mm, giảm 586mm so với cùng kỳ.

Theo ông Vũ Văn Lợi, Trưởng Phòng Quản lý nước, Trung tâm Khai thác, Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh, lượng mưa giảm kéo theo trữ lượng nước của các hồ thủy lợi xuống thấp. Tính đến ngày 25-2, tổng trữ lượng nước tại các công trình thủy lợi là 125,95 triệu m3, chỉ bằng 83,93% so với năm ngoái. “Dù tổng trữ lượng vẫn đủ cung cấp nước tưới cho các vùng trồng trọt của tỉnh. Tuy nhiên, không loại trừ một số khu vực sẽ thiếu nước. Ngày 16-3, do mực nước ở hồ Sông Hỏa ở mức thấp, không thể tự cấp nước lên kênh dẫn. Trung tâm đã buộc phải tiến hành bơm nước từ hồ Sông Hỏa lên kênh dẫn để cấp nước cho 105ha cây ăn trái địa bàn xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc”, ông Lợi thông tin thêm.

Nạo vét tuyến kênh nội đồng tại xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) để bảo đảm nguồn cấp nước sản xuất ổn định.

Ngoài ra, để bảo đảm đủ nước cho vụ Hè Thu và chuẩn bị cho việc xuống giống vụ Mùa, trung tâm đã tổ chức nạo vét bảo đảm dòng chảy ổn định trên các hệ thống kênh mương. Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra các khu vực sản xuất để kịp thời điều phối nước phù hợp; lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và từng khu sản xuất; chuẩn bị máy bơm để chống hạn cục bộ...

Về cơ bản, các giải pháp phòng ngừa thiếu nước cục bộ đã được Trung tâm Khai thác, Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh triển khai đầy đủ và chuẩn bị cho mọi phương án. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Lợi, việc người nông dân chưa tuân thủ lịch xuống giống đang gây ra những khó khăn nhất định. “Trong vụ Hè Thu 2019, có đến hơn 2.000ha lúa thuộc khu tưới hồ Đá Bàng, xã Long Tân, thị Trấn Long Điền… gieo sạ sau ngày 10-1-2019 (hạn cuối lịch thời vụ của Sở NN-PTNT). Như vậy, tới đây, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh để điều tiết nước tưới cho các khu vực này chứ không thể dừng cung cấp nước tưới trước ngày 10-4 theo đúng kế hoạch. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch tưới và có khả năng gây thiếu nguồn nước cho các vùng trồng lúa trên. Do đó, các địa phương cần đôn đốc bà con nông dân trồng các cây ngắn ngày, nhất là lúa tuân thủ lịch xuống giống theo thời vụ của Sở NN-PTNT”, ông Lợi lấy ví dụ.

Người dân chủ động áp dụng giải pháp tưới nhỏ giọt

Tại một số địa phương thiếu hụt nguồn nước tưới, nhiều bà con nông dân đã khắc phục bằng cách sử dụng các hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm. Ông Nguyễn Văn Hai (ấp Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, trước đây, 1,2ha bưởi của gia đình ông thường gặp khó khăn về nước tưới vào mùa khô. Do đó, ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Isarel. Với hệ thống tưới nước này, lượng nước tiêu tốn cho cùng 1 diện tích canh tác chỉ bằng 10% thông thường, chi phí cũng giảm mạnh so với trước đây. Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Đức đã có khoảng 3 ngàn ha tiêu và các loại cây ăn trái sử dụng các hệ thống tưới nhỏ giọt và đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm sự đồng bộ trong điều phối nước giữa các địa phương, các vùng sản xuất cũng cần nhịp nhàng hơn. Vừa qua, đã có một số hộ dân thuộc 155ha ruộng thuộc vùng Xóm Rẫy (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) phản ánh thiếu nước tưới. Sau khi tiến hành khảo sát, cơ quan chức năng cho biết, nguồn nước về khu vực ruộng này không thiếu. Tuy nhiên, khi nước từ kênh chính về các kênh phụ đã không có người phân phối về ruộng. Đây là tình trạng cần được khắc phục triệt ở các địa phương.  


Số lượt đọc: 2930 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác