Hôm nay 31-5, TP. Bà Rịa tổ chức lễ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là địa phương đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu nông thôn mới với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều DN, nông dân của TP. Bà Rịa đã mạnh dạn áp dụng công nghệ sản xuất các loại nông sản mới, hiệu quả cao. Trong ảnh: Kiểm tra sự phát triển của nấm đông trùng hạ thảo tại trại của chị Cao Thị Hồng Vân (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa).
THU NHẬP TĂNG CAO
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) TP. Bà Rịa đã hoàn thành với nhiều kết quả quan trọng. 3 xã Hòa Long, Long Phước, Tân Hưng hoàn thành xây dựng NTM lần lượt vào các năm 2014, 2016, 2017, các phường đều đạt chuẩn văn minh đô thị.
Xã Tân Hưng là một trong những địa phương khó khăn nhất của TP.Bà Rịa trong việc hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Ông Trần Nhật Hoàng, Chánh văn phòng UBND xã Tân Hưng cho biết, địa phương khởi đầu xây dựng NTM với chỉ 9 tiêu chí đạt (trên tổng số 19 tiêu chí). Các tiêu chí chưa đạt lại khá quan trọng như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thu nhập của người dân… Tuy nhiên, có một thuận lợi là trong quá trình triển khai xây dựng NTM là sự chung tay, ủng hộ của người dân. Nhiều hộ gia đình trong xã sẵn sàng hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các hạng mục công trình xây dựng cơ bản khác. Chẳng hạn, trong phát triển kinh tế, xã xác định thế mạnh là phát triển nghề trồng trọt nên tổ chức cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ thành lập HTX Tân Hưng để liên kết sản xuất rau theo hướng VietGAP... Nhờ các biện pháp trên, chỉ trong vòng 4 năm, xã Tân Hưng đã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 49,57 triệu đồng/người/năm.
Tương tự, tại các xã khác như Hòa Long, Long Phước, việc xây dựng NTM cũng gắn với thế mạnh của từng địa phương. Ông Trần Tấn Khoa, cán bộ phụ trách xây dựng NTM của xã Hòa Long cho biết: Theo quy hoạch của thành phố, xã Hòa Long chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Do đó, xã đã tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ. Đặc biệt, địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát triển thương hiệu các nghề truyền thống như nấu rượu, bánh tráng, bún, kết hợp với du lịch… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh, đến năm 2018 đã đạt gần 54 triệu đồng/người/năm.
Còn xã Long Phước, địa phương có 63% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp đang được quy hoạch để trở thành vùng sản xuất trái cây lớn của TP.Bà Rịa và toàn tỉnh. Để tăng hiệu quả trong sản xuất, từ năm 2014-2017, chính quyền xã phối hợp với Sở KH-CN đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và thâm canh vườn cây ăn quả” trên một số loại cây chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Mô hình cải tạo, thâm canh vườn sầu riêng diện tích 2ha với 4 hộ tham gia, năng suất của mô hình tăng 40,14-63,56% và hiệu quả kinh tế tăng 69,25-125,51% so với vườn đối chứng. Mô hình cải tạo, thâm canh trên cây măng cụt với diện tích 2ha ở 4 hộ, năng suất tăng 21,94- 23,92% và hiệu quả kinh tế tăng 28,46-33,47% so với vườn đối chứng. Mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP với diện tích 6,1ha ở 11 hộ. Nhờ những biện pháp trên, thu nhập bình quân trên đất nông nghiệp của xã tăng lên, đạt 85 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,45 triệu đồng/người/năm.
TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, có thể nói, những kết quả đạt được trong công cuộc xây dựng NTM của TP. Bà Rịa là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân trên địa bàn. Đến nay, quy hoạch và hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng đến năm 2025. Cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư... ngày càng khang trang, hiện đại. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng Dịch vụ - thương mại (40,71%), công nghiệp-Thương mại (56,52%), nông nghiệp (2,77%). Công tác giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Ông Hoàng cho biết thêm, mục tiêu của thành phố là duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng NTM mà 3 xã trên đã đạt được; trong đó, chú trọng đến việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các mục tiêu cụ thể của thành phố là: Phấn đấu đến năm 2020, Hòa Long sẽ đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Các xã Long Phước, Tân Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao cấp tỉnh; Phấn đấu giảm nghèo bình quân hàng năm từ 20% - 25% trên tổng số hộ nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ có thu nhập ổn định, có cuộc sống khá chiếm tỷ lệ 40% so với tổng số hộ nghèo; giải quyết việc làm cho 21.500 lao động; Thu nhập bình quân của 3 xã xây dựng nông thôn mới năm 2019 đạt 54,2 triệu đồng/người; đến năm 2020 đạt 59,54 triệu đồng/người (mức chung của tỉnh 59 triệu đồng/người/năm); Có 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; vận động người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế với tỷ lệ trên 90%.
Để đạt được các mục tiêu trên, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như hoàn thiện quy hoạch nông thôn, tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt công tác văn hóa, xã hội, môi trường. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng chợ văn minh thương mại tại Trung tâm thương mại Bà Rịa và các chợ phường, xã. Hỗ trợ DN tiếp tục triển khai dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Siêu thị Bà Rịa. Kêu gọi DN đầu tư xã hội hóa chợ Phước Hưng và chợ liên phường Long Toàn - Long Tâm; Xây dựng các giải pháp đưa vào hoạt động ổn định chợ Long Phước và chợ Tân Hưng; Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án CCN Hòa Long trong Quý II/2019. Bên cạnh đó, TP.Bà Rịa sẽ tiếp tục triển khai phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các vùng canh tác nông nghiệp chủ lực; khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu vực trồng trọt chuyên canh; Tiếp tục triển khai thực hiện vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch… Tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2020 là 250 tỷ đồng.
- Bắt giữ kẻ gây rối trật tự công cộng tại TP.Vũng Tàu. (25/07/2017)
- Thêm một người nhiễm HIV được chữa khỏi bệnh (25/07/2017)
- Trao tặng quà cho gia đình chính sách nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ tại xã Châu Pha (24/07/2017)
- Họp mặt, biểu dương người có công với chủ đề "Bản hùng ca bất tử". (24/07/2017)
- Đưa thi thể thuyền viên nước ngoài tử nạn vào bờ (24/07/2017)
- Sáng kiến trong ngành du lịch: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn. (10/07/2017)
- Những ngày hè ý nghĩa (10/07/2017)
- Sôi nổi hoạt động Đoàn, Đội (10/07/2017)
- TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO-HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG CÁC XÃ, PHƯỜNG: Cần mở thêm mô hình sinh hoạt để thu hút người dân (10/07/2017)
- Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đận: Mong tìm được hài cốt các con (10/07/2017)