Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng - người Việt hóa nhạc ngoại.
05/07/2019

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, những bản tình ca nước ngoài được chuyển ngữ qua tiếng Việt trở thành trào lưu ở các phòng trà, vũ trường, tụ điểm ca nhạc và thường được chọn làm nhạc nền cho đám cưới, sinh nhật. Và một trong những nhạc sĩ có công chuyển ngữ sang tiếng Việt những ca khúc nhạc ngoại vang bóng một thời, đó là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

VIỆT HÓA NHẠC TRẺ

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vốn giảng dạy ngoại ngữ ở một số trường tại Sài Gòn trước năm 1975 nên ông rất thành công trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt những bài hát nguyên bản là tiếng Anh, tiếng Pháp. Vào thập niên 60, 70 thế kỷ XX, nhạc trẻ thế giới ồ ạt du nhập vào miền Nam, giới trẻ Sài Gòn thời ấy rất say mê nghe và thích trình diễn những ca khúc bằng ngôn ngữ nước ngoài. Thậm chí, những ca sĩ và ban nhạc Sài Gòn còn chọn những cái tên ngoại quốc làm nghệ danh, ban nhạc của mình. 

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chia sẻ, với mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và trình diễn những ca khúc trẻ nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam, năm 1972 khi đang dạy học, ông được ông Quốc Phong - Giám đốc hãng phim Liên Ảnh mời về làm tổng thư ký cho tờ tuần san Kịch Ảnh. Với tiêu chí làm mới cũng như trẻ hóa tờ báo điện ảnh ca nhạc nổi tiếng này nên ông đã cùng nhà văn Mai Thảo (chủ bút), nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên phát động phong trào Việt hóa nhạc trẻ.

Là tác giả chuyển ngữ của hàng trăm ca khúc nổi tiếng của những thập niên 60-70, ca khúc của Vũ Xuân Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ như: Nói sao cho em hiểu (How can I tell her), Chuyện phim buồn, Đời ca sĩ (nhạc Hoa), Lãng du (L’Avventura), Em đẹp như mơ (Elle était si jolie), Dòng sông tuổi nhỏ (La-maritza)… làm cho đời sống âm nhạc nước nhà thêm đa dạng và phong phú hơn. Nhiều bài do Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ đã khiến công chúng cứ ngỡ do chính người Việt sáng tác. Trong đó, nhạc phẩm Búp bê không tình yêu đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại cũng như trong nước trình bày. 

NHẠC NGOẠI MANG HỒN VIỆT

Chuyện ngữ ra tiếng Việt một ca khúc nước ngoài để khán giả đón nhận thành công như một sáng tác thuần Việt không hề dễ dàng. Có thể coi người nhạc sĩ chuyển ngữ giống như sứ giả làm cầu nối cho những giai điệu ngoại quốc đến với trái tim người Việt. Việc chuyển ngữ sao cho phù hợp với giai điệu mà lại gần gũi, đi vào lòng người nghe là cái tài của người dịch: “Có lúc tôi nghe tim sao buồn/Và nước mắt êm đềm rơi xuống/Trọn đời ca hát cho tình yêu ai đó/Còn tôi tháng năm mãi sầu đơn đông/Tôi như con búp bê bằng nhựa/Một thứ búp bê thật xinh xắn/Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá/Vì sao búp bê thiếu một tình yêu” (Búp bê không tình yêu). 

Trước tiên người nghe phải hiểu được câu chuyện trong bài hát đó là gì, hay ít nhất thì thông điệp đằng sau những giai điệu ngoại quốc đó, đem đến điều gì cho họ. Nếu như Búp bê không tình yêu nói giùm nỗi lòng những cô tiểu thư đài các, sống cuộc đời nhung lụa nhưng trái tim lại lạnh giá vì thiếu một tình yêu đích thực thì Chuyện phim buồn lại kể về “một chuyện tình buồn hơn phim” bởi cô gái phát hiện ra người yêu lừa dối khi bắt gặp anh chàng đi xem phim với chính cô bạn thân của mình. 

Những câu chuyện dù tận phương trời Tây tuyết trắng nhưng bằng cách truyền tải thuần Việt, Vũ Xuân Hùng đã kể lại bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ để người nghe dễ cảm thụ, dễ hiểu, dễ thuộc rồi “phải lòng” từ lúc nào: “Và anh đã quay mặt trong buổi sáng giận hờn/Ðường mưa vắng em về gió lùa buốt đôi vai/Thành phố cũng ưu buồn cây đã vắng tiếng chim hồn nhiên/Em với căn phòng lạnh vắng ngồi nhớ mong anh/Hạt mưa từng cánh từng cánh từng cánh tựa vết kim đâm vào trong nỗi nhớ/Hạt nào gọi tháng ngày cũ dịu êm tình đôi lứa đang nồng/Người yêu anh hỡi còn nhớ ngày đó nụ hôn dưới cơn mưa xuân xưa/Tình đã ngỡ thật dài biết đâu gió mưa chia đời đôi ngả…” (Nụ hôn dưới mưa).

Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng, tiếng Anh đa âm tiết, tiếng Việt đơn âm và có tới 5 dấu giọng, muốn đặt lời sát lời gốc không phải chỉ có cảm hứng và sự thấu hiểu âm nhạc, nó đòi hỏi nhiều thứ khác, một khả năng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) thích ứng. Trước khi đặt lời Việt cho một ca khúc nước ngoài, ta phải thấu hiểu âm nhạc của nó và ý nghĩa của ca từ. Còn việc đặt lời lại chính là một sự chuyển dịch về văn hóa.

Bởi vậy, khi dịch một ca khúc nước ngoài qua tiếng Việt, người nhạc sĩ không chỉ dịch bằng lí trí mà còn bằng chính trái tim mình, như chính nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đúc kết: “Người ta ví một bản giao hưởng như cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc như một truyện ngắn. Vì vậy, chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt quả là không đơn giản chút nào. Thứ nhất, phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ. Kế đến, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác, điều cần nhất phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên “chế” lời. Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung”.

Mặc dù đã qua thời hoàng kim của những ca khúc nhạc ngoại chuyển ngữ qua lời Việt nhưng không thể phủ nhận được giá trị một thời của những ca khúc này. Trước sự xâm thực của văn hóa phương Tây những năm 50-70 thế kỷ trước, những nhạc sĩ Việt như Vũ Xuân Hùng đã nỗ lực thổi hồn Việt vào các nhạc phẩm ngoại nhập để kích thích sáng tạo những ca khúc thuần Việt. Với những người thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ, những bản nhạc ngoại lời Việt còn là một phần kết nối quá khứ xa xưa, với những ký ức đẹp thời thanh xuân, những dư âm ngọt ngào của gia đình thân thương với tình yêu, tình bạn bè thuần khiết, để nhắc những người trẻ biết trân trọng những giá trị cuộc sống.

 

 


Số lượt đọc: 2210 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác