Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 500 doanh nghiệp đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DN KHCN). Trong khi, hiện chỉ có 4 DN được công nhận. Đây là con số quá khiêm tốn. Vì sao?
Tháng 7/2017, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam được công nhận là DN KH-CN. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo tỉnh Thái Bình thăm Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).
DN không mặn mà tham gia
Theo Sở KH-CN, khi đã được chứng nhận là DN KHCN, các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KHCN. Các DN KHCN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và một số ưu đãi khác… Dù vậy, nhưng đến nay mới chỉ có 4 DN KHCN được thành lập gồm: Công ty CP KHCN Việt Nam (Busadco); Công ty CP Công nghệ Việt - Séc; Công ty TNHH Quốc tế Troy và Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam. Rất nhiều DN khác, dù đã được Sở KH-CN khảo sát và xác nhận đủ điều kiện để trở thành DN KHCN nhưng các DN này lại không mặn mà trong việc làm thủ tục để được chứng nhận.
Tháng 7/2017, Sở KHCN cấp giấy chứng nhận DN KHCN cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam (đơn vị sản xuất phân bón hiệu Ong Biển). Hiện nay, Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển tại xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ sản xuất 500 tấn phân bón/ngày. Theo ông Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty: “Được chứng nhận là DN KHCN đã tạo động lực thúc đẩy DN phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ DN KHCN của trung ương và địa phương vẫn chưa thật sự bắt đúng mạch, hỗ trợ đúng những gì mà DN KHCN cần như: Vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm… Do đó, ngoài các DN có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác thì rất nhiều các DN có ứng dụng KHCN vẫn gặp nhiều khó khăn khi họ phải tự tìm kiếm lối đi riêng cho mình”, ông Nam nói.
Theo ông Lê Văn Học, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt – Séc, là DN KHCN thứ 2 của BR-VT (thành lập DN KH-CN năm 2012) chuyên hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu, DN KHCN là những đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất và đời sống nên phải chịu nhiều áp lực và rủi ro... “Tuy nhiên, chúng tôi lại không được tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh và ứng dụng KHCN. Đối với các DN không bán được sản phẩm, doanh số bằng 0 thì những ưu đãi về thuế hay thuê mặt bằng đều không có ý nghĩa”, ông Học nói.
Trong khi đó, theo Sở KH-CN, nguyên nhân DN chưa mặn mà thành lập DN KHCN là do một số DN hiện vẫn chưa thực sự quan tâm đến các chính sách của hoạt động KHCN, cũng như đăng ký thành lập DN KHCN. Phản ánh từ một số DN thì việc thành lập DN KHCN trên lý thuyết rất nhiều ưu đãi hấp dẫn, tuy nhiên trên thực tế để đạt DN KHCN thì vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khi đã vào vườn ươm hay đăng ký độc quyền sáng chế, DN phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên rất dễ bị mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ. Bên cạnh đó, DN chưa thấy được nhiều lợi ích khi được công nhận là DN KHCN, kể cả việc miễn giảm thuế.
Sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng tại Nhà máy khoa học công nghệ Busadco.
Làm gì để có thêm nhiều DN KHCN
Trước những bất cập nêu trên, ngày 1/2/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KHCN có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019. Theo Nghị định này có nhiều chính sách ưu đãi DN KHCN như miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng… Nghị định 13/2019/NĐ-CP cũng bổ sung về thẩm quyền công nhận DN KHCN, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận DN KHCN. Ngoài ra, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP còn bổ sung thêm thẩm quyền của Cục Phát triển thị trường DN KHCN, Bộ KH-CN được cấp Giấy chứng nhận DN KHCN trong một số trường hợp đặc biệt như: Các kết quả KHCN thuộc bí mật quốc gia hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; môi trường; tính mạng, sức khỏe con người; DN được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức KHCN công lập đã đăng ký hoạt động KHCN tại Bộ KH-CN…
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, bên cạnh những thuận lợi từ Nghị định số 13/2019/NĐ-CP vừa được áp dụng, để tiếp tục thúc đẩy phát triển DN KHCN, Sở KH-CN sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KHCN; tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển; đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KHCN… “Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các DN cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các DN trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong từng DN làm cơ sở để xây dựng và phát triển DN KHCN của tỉnh phát triển bền vững”, ông Quang nói.
- Thị trường bánh trung thu 2017: Sản phẩm đa dạng, giá ít biến động (04/09/2017)
- Hội diễn văn nghệ chào mừng quốc khánh 2/9 (01/09/2017)
- Tổng kết hè hoạt động hè năm 2017 (01/09/2017)
- Lễ thượng cờ 11 nước tham dự SEA Games 29. (17/08/2017)
- Tổ chức tập huấn triển khai văn bản pháp luật trong chăn nuôi thú y (16/08/2017)
- Các nhà khoa học Việt công bố loài thực vật mới cho thế giới (03/08/2017)
- Cây nhàu giảm đau, hạ huyết áp (01/08/2017)
- Tầm bóp: Ở Việt Nam chỉ là quả dại, Nhật Bản bán 700.000 đồng/kg (01/08/2017)
- UBND tỉnh vinh danh và khen thưởng em Hoàng Hữu Quốc Huy. (31/07/2017)
- 400 học sinh tham dự liên hoan "Giai điệu tuổi thơ" (25/07/2017)