Cần chính sách đãi ngộ thỏa đáng với công chức, viên chức.
18/09/2019

Mở đầu hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 18/9, tại Hội trường Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gặp gỡ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ CBCCVC của tỉnh.

Công chức Bộ phận “một cửa” UBND xã Bình Trung (huyện Châu Đức) tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tham dự buổi TXCT có các đại biểu: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Đình Cúc, Viện trưởng Viện KSND tỉnh; Dương Tấn Quân, bác sĩ BV Bà Rịa. 

CẦN BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CHO CBCCVC

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Dương Trọng Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đất Đỏ cho rằng, Chính phủ đang lấy ý kiến vào dự thảo chính sách tiền lương mới theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Hiện nay khối lượng công việc tập trung nhiều nhất ở đội ngũ CBCC cấp xã. Đặc biệt, từ ngày 25/6/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân cư có hiệu lực, số lượng người làm việc ở cấp xã giảm đáng kể nên áp lực công việc của đội ngũ CBCC cấp xã tăng lên. Trong khi đó, chế độ tiền lương của đội ngũ này còn thấp và có nhiều bất cập. “Tôi đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xây dựng chế độ lương mới cho phù hợp với mức độ công việc của từng đối tượng CBCC”, ông Hiếu đề xuất. 

Công chức Bộ phận “một cửa” UBND xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Nói thêm vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, chính sách lương mới nếu được Quốc hội thông qua thì mức lương khởi điểm của đội ngũ CBCCVC sẽ cao hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, nếu so với mức lương của người lao động làm việc tại DN, thì lương của CBCCVC vẫn thấp hơn vì còn phụ thuộc ngân sách Nhà nước. Song, theo lộ trình của Chính phủ, mức lương của CBCCVC sẽ từng bước được nâng lên để bảo đảm cuộc sống.

BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH

Nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực tế

Các CBCCVC đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, sát với thực tế, đóng góp vào các nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi ghi nhận những ý kiến này; đồng thời sẽ tổng hợp và lựa chọn những ý kiến phù hợp với các dự thảo Luật để chuyển tới Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức quy định việc tuyển dụng CCVC được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp có quy định khác. Nhưng trong thực tế, tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở lĩnh vực GD-ĐT, mỗi lần tổ chức thi tuyển hay xét tuyển phải kéo dài thời gian, ít nhất 6 tháng để thực hiện các quy trình tuyển dụng. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này rất lớn, nếu không tuyển dụng kịp thời sẽ khiến các đơn vị khó bố trí đủ người. “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức nên bổ sung một hình thức tuyển dụng nữa. Theo đó, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập được phỏng vấn trực tiếp ứng viên và chịu trách nhiệm về kết quả trúng tuyển của những người này”,  ông Lâm Văn Hồng đề xuất. 

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh bày tỏ băn khoăn về việc tăng giờ làm thêm. Theo quy định của Luật Lao động, khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm/người. Nhưng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm/người. Đây là nội dung được nhiều CBCCVC và người lao động quan tâm. Bà Phúc cho rằng, kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ khi trình độ công nghệ phát triển, trình độ tay nghề người lao động nâng lên, trong khi một bộ phận người lao động có điều kiện cũng không muốn tăng thêm giờ làm việc. “Theo tôi, Quốc hội nên xem xét và cân nhắc, tốt nhất nên giảm giờ làm thêm, hoặc duy trì giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm/người như hiện nay”, bà Phúc đề nghị. 

GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG THIẾU NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ, GD-ĐT

Ông Trần Phong Định, Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Đức cho rằng, nghịch lý hiện nay là không chỉ BR-VT mà nhiều địa phương khác trong cả nước đều có chung tình trạng thiếu giáo viên (GV), nhất là bậc mầm non (MN). Ngược lại, nhiều SV tốt nghiệp các trường sư phạm lại không tìm được việc làm, dẫn đến thất nghiệp hoặc buộc phải làm trái ngành. “Theo tôi, Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ GV phù hợp với tình hình thực tế sử dụng GV của từng địa phương”, ông Định nói. 

Lý giải tình trạng thiếu GV, đặc biệt là GV MN, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng nguyên nhân cốt lõi là thu nhập của đội ngũ nhà giáo ở bậc học này còn thấp. Luật Viên chức quy định, VC được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở lĩnh vực sự nghiệp đặc thù… Tuy vậy, quy định này vẫn chưa sát thực tế nên việc chi trả lương cho GV bậc MN còn lúng túng. Do đó, Quốc hội cần hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn về quy định này để có hướng nâng cao mức lương cho GV MN. Khi thu nhập bảo đảm được cuộc sống cho GV MN, ngành GD-ĐT mới giải quyết dứt điểm được tình trạng thiếu GV hiện nay. 

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 21/10 tại Thủ đô Hà Nội, bế mạc ngày 20/11. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các báo cáo và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về vấn đề nhân lực ngành y tế, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhiều năm qua có tình trạng bác sĩ ở các bệnh viện tỉnh nghỉ việc, ra làm việc tại cơ sở y tế tư nhân vì có thu nhập cao hơn. Điều này đã khiến ngành y tế thiếu nguồn nhân lực. Để thu hút và bổ sung đội ngũ bác sĩ, từ năm 2014, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH cho ngành nhưng đến nay đã phải dừng theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Vì vậy, ngành y tế tỉnh tiếp tục đối mặt khó khăn về đội ngũ bác sĩ. Ông Phạm Minh An kiến nghị: “Chính phủ cần có cơ chế cho phép các địa phương không được đào tạo bác sĩ theo chế độ cử tuyển như tỉnh BR-VT lấy nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình đào tạo đội ngũ bác sĩ, bảo đảm chỉ tiêu bác sĩ trên giường bệnh”.

Liên quan đến việc thiếu nhân lực ngành GD-ĐT, ngành y tế, ông Trương Thanh Phong đề xuất giải pháp: “Các ngành phải có dự báo 5 năm tiếp theo cần bao nhiêu nhân lực; đồng thời công khai, minh bạch nhu cầu tuyển dụng trên các trang thông tin điện tử của ngành để nhân dân theo dõi. Từ đó, các ngành đưa ra chiến lược, kế hoạch đào tạo đội ngũ đáp ứng cho nhu cầu của từng thời điểm”.


Số lượt đọc: 3054 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác