Ngày 18/9, Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019. Dự án này đã liên kết DN, chuyên gia và nông dân trong việc sản xuất hồ tiêu sạch, đạt chuẩn. Đây cũng là hướng đi mới, đóng góp vai trò quan trọng để phát triển bền vững ngành hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.
Dự án “Phát triển bền vững hồ tiêu tại Việt Nam” đã giúp nâng cao trình độ, nhận thức của nông dân trong sản xuất tiêu sạch. Trong ảnh: Chăm sóc tiêu sạch tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức.
Dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh do Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam và tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) thực hiện tại 2 huyện Xuyên Mộc, Châu Đức từ tháng 8/2016 đến nay. Tham gia dự án này, bà con nông dân được các chuyên gia trong và ngoài nước hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây tiêu, mức dư lượng tối đa cho phép, lịch sử dụng thuốc, hướng dẫn quản lý dịch hại trên cây hồ tiêu, dinh dưỡng và mức tưới cho cây hồ tiêu, thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch theo tiêu chuẩn SAN, GlobalGAP; để từ đó sản xuất ra sản phẩm hồ tiêu nguyên liệu sạch, đạt chuẩn.
Ông Mai Văn Trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ (đơn vị tư vấn dự án) cho biết, dự án đã đạt được những kết quả tốt, nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được sự quan tâm thực sự của người dân trong bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động và sức khỏe người tiêu dùng. “Qua khảo sát, bà con nông dân trồng hồ tiêu đã hình thành thói quen ghi chép hồ sơ sản xuất, quan tâm đến môi trường sản xuất hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững qua việc thực hành tiêu chuẩn SAN. Thông qua dự án này, phía DN đã kết nối tiêu thụ được hàng ngàn tấn hồ tiêu có chất lượng đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc…”, ông Trị thông tin.
Ông Vũ Hữu Nghiệp (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) là một trong những nông dân tham gia dự án trên. Ông Nghiệp cho biết, trước đây, với 1ha đất trồng tiêu, nếu canh tác theo kiểu truyền thống chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc BVTV hết 150 triệu đồng/ha/năm, với phương thức canh tác mới chi phí giảm còn 110-120 triệu đồng/ha. Năng suất, chất lượng hồ tiêu cũng tăng từ 20-30% so với trước. “Tham gia dự án này, chúng tôi được DN bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, sức khỏe cũng được bảo đảm khi không phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, BVTV, môi trường sống không bị ô nhiễm”, ông Nghiệp nói.
Để giúp người trồng nắm vững kỹ thuật và bảo đảm sản phẩm hạt hồ tiêu đạt chuẩn sạch, trong suốt quá trình thực hiện dự án, công ty đã phối hợp với Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường tổ chức các lớp tập huấn về các chuyên đề như: Bệnh trên cây hồ tiêu, sản xuất hồ tiêu bền vững; Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu theo hướng GlobalGAP; Phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, BVTV trên cây tiêu; Đào tạo sau thu hoạch… Đến nay, sản phẩm hồ tiêu tại vùng dự án nằm trong ngưỡng cho phép về tồn dư thuốc BVTV, không có hóa chất độc hại. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Harris Freeman Việt Nam cho biết, các hộ dân tham gia dự án này được DN cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đối với sản phẩm chất lượng vượt trội, đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu, DN thưởng thêm cho nông dân 4.000 đồng/kg. Vừa qua, đã có hơn 750 nông hộ vượt qua được kỳ đánh giá chứng nhận chính thức trong năm. Từ đó, công ty đã thu mua được hơn 600 tấn hồ tiêu sạch với giá cao hơn so với giá trị trường trong năm 2019. Theo dự báo, giá hồ tiêu có thể tăng trở lại trong thời gian tới, nếu bà con tiếp tục giữ được quy trình sản xuất đạt chuẩn có thể sẽ phần nào vơi bớt được khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cùng với dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam”, từ năm 2014 đến nay, đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu sạch với tổng diện tích khoảng 1.300ha như dự án của Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty TNHH Olam Việt Nam… Điều này phù hợp với định hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh là phát triển vùng nguyên liệu sạch, tập trung, quy mô lớn nhằm gia tăng giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp nhằm ổn định diện tích tiêu phù hợp với quy hoạch của tỉnh, khoảng 12.600ha vào năm 2020 (giảm 500ha so với hiện nay); đồng thời, tiếp tục thực hiện việc liên kết các DN trong và ngoài nước với nông dân nhằm mở rộng diện tích sản xuất tiêu sạch đạt chuẩn quốc tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”, ông Đức cho hay.
- Khởi động thị trường vàng trước ngày vía Thần Tài. (30/01/2020)
- Công sở "vào guồng" phục vụ nhân dân. (30/01/2020)
- Động lực mới cho bóng đá Việt Nam. (30/01/2020)
- Ngư dân phấn khởi mở biển. (29/01/2020)
- Ngư dân phấn khởi mở biển. (29/01/2020)
- Phong phú các loại bánh, mứt Tết. (18/01/2020)
- Uống rượu, bia thế nào là hợp lý?. (18/01/2020)
- Mới lạ những tour, tuyến du lịch Tết nội tỉnh. (18/01/2020)
- Cùng các nước châu Á đón Tết Nguyên đán. (18/01/2020)
- UBMTTQVN tỉnh trao 1.644 suất quà cho hộ nghèo. (18/01/2020)