Sáng 30/10, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 10. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Chính phủ cùng người dân cả nước và đồng bào miền Trung đang nỗ lực tối đa khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng tốc trong 2 tháng cuối năm. Ảnh: QUANG HIẾU
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến đặc điểm tháng 10 hằng năm trên địa bàn cả nước là thường xuyên xảy ra bão lũ: “Lũ chồng lũ, bão chồng bão” gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thủ tướng cho biết, đến nay, theo thống kê đã có 230 người thiệt mạng, hy sinh; trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan lực lượng vũ trang đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Đặc biệt có 2 tướng lĩnh đã hy sinh ở Thừa Thiên - Huế, nhiều sĩ quan cao cấp khác đã hy sinh tại Quảng Trị. Hiện tại, còn nhiều đồng bào mất tích ngoài biển hoặc bị đất đá vùi lấp trong các vụ sạt lở.
Tại phiên họp, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ đã hy sinh; những đồng bào đã thiệt mạng do thiên tai vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các lực lượng công an, quân đội, nhất là cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị của quân đội trong bối cảnh bão lũ nguy hiểm nhưng vẫn kiên cường làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở mọi vùng, miền của Tổ quốc. Đặc biệt, tại thời điểm hiện nay, các lực lượng vẫn đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở khu vực núi cao nhất của tỉnh Quảng Nam và khu vực Nhà máy hủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) để tiếp tục tìm kiếm những công nhân và người dân bị đất đá vùi lấp.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào ở miền Trung, các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh”. Thủ tướng nêu rõ rằng Chính phủ đã có nhiều biện pháp để cứu hộ, cứu nạn hết sức quyết liệt; đã có những chỉ thị kịp thời để sơ tán người dân đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại, nhất là trong ứng phó với cơn bão số 9 vừa qua. Theo thống kê, đã có trên 1,3 triệu người dân đã được đưa vào vùng an toàn, đây là một cố gắng rất lớn của các địa phương. Ban Chỉ đạo tiền phương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo. Ban Chỉ đạo tiền phương không chỉ đóng tại Đà Nẵng mà sau đó được dịch chuyển vào huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), còn một bộ phận đóng tại Quảng Ngãi do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, phụ trách.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong bão lũ, càng khó khăn, tình thương yêu đùm bọc của đồng chí, đồng bào càng rõ nét. Trong tháng 10, nhân dân cả nước đã hướng về miền Trung. Cả dân tộc đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm vượt khó khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là lực lượng quân đội, công an và các địa phương, trong đó có Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là tìm kiếm cho được những người mất tích bị vì bị đất đá chôn vùi ở những vị trí đã xác định được tại Quảng Nam; tiếp tục tìm kiếm ngư dân bị mất liên lạc trên biển.
Nhiệm vụ tiếp theo là phải tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả, trả lại cuộc sống bình thường của nhân dân đang bị xáo trộn rất lớn do mưa bão; đảm bảo cho học sinh sớm được trở lại trường học, trường lớp sạch sẽ, học sinh có đủ sách vở học tập.
Thủ tướng cũng chỉ đạo chú ý đến công tác đảm bảo an toàn sau lũ bão, không để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là dịch tả, cúm mùa, đồng thời đề phòng COVID-19 có thể quay lại trong lúc chúng ta chưa có điều kiện đề phòng cao nhất.
Thủ tướng cũng cho biết, Thường trực Chính phủ đã thảo luận, thống nhất hỗ trợ cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng một khoản tiền cần thiết ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh chịu thiệt hại do bão lũ.
Thủ tướng nêu rõ, để thể hiện tình cảm yêu quý, tinh thần tương thân tương ái của người dân hai miền Nam - Bắc đối với dân miền Trung, “chúng ta phải tăng sức sản xuất; phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung”; trong đó, có việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 2 tháng còn lại của năm 2020; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2 đến 3 % mặc dù thiên tai gây hậu quả lớn, giải quyết nhiều việc làm, có thêm nhiều thu hút đầu tư phát triển, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở vùng bị thiên tai.
- 18 tội ác bị trừng phạt bằng án tử hình từ ngày 1/1/2018 (10/11/2017)
- Thử cảm giác mạnh với các môn thể thao biển. (10/11/2017)
- Thủ tướng Australia lần đầu thưởng thức bánh mì ở Đà Nẵng (10/11/2017)
- Hàng trăm người chạy khỏi công ty may bốc cháy ở Sài Gòn (10/11/2017)
- Tôi nhớ mãi lần bị 'đuổi' ra khỏi taxi ở Nhật Bản (10/11/2017)
- Hơn 200 học sinh thi tìm hiểu an toàn giao thông (07/11/2017)
- Sập ô văng công trình xây dựng, 3 người bị thương (31/10/2017)
- Hơn 12 triệu người Việt Nam bị bệnh cao huyết áp (31/10/2017)
- Phản ứng của dân chơi "tiền ảo" sau lệnh cấm. (31/10/2017)
- Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (30/10/2017)