Tạo không gian học "mở" với mô hình giáo dục thông minh.
13/11/2020

Ngày 13/11, Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT, Trường CĐ Sư phạm BR-VT tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển phẩm chất, năng lực người học trong môi trường giáo dục thông minh (GDTM) ở tỉnh BR-VT”. Tại đây, các nhà giáo đã làm rõ được những tính ưu việt của mô hình GDTM và kinh nghiệm triển khai mô hình này tại các trường học.

Mô hình GDTM là xu hướng phát triển tất yếu của ngành GD-ĐT. Trong ảnh: GV môn tiếng Anh của Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn HS học bài.

Trình bày về những ưu điểm của GDTM, TS. Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh cho biết, nếu giáo dục truyền thống là lớp học thực, tài liệu in, thời gian biểu cố định, GDTM gồm cả lớp học ảo, tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học tập mọi lúc, mọi nơi. Trong GDTM, công nghệ xuất hiện ở tất cả các khâu, vừa hỗ trợ quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, vừa giúp việc dạy của thầy và việc học của trò thuận lợi, hiệu quả, mở rộng không gian học tập vượt qua giới hạn của một bài giảng, một lớp học, một trường học thông thường. 

Ưu điểm của GDTM là thông qua công nghệ hình thành nên các phương pháp giảng dạy thông minh, xây dựng chương trình đào tạo có khả năng thích ứng cao; đồng thời nắm bắt nhanh chóng phẩm chất và năng lực của HS. Từ đó có sự điều chỉnh về phương pháp dạy của người thầy, phương pháp học của trò cho phù hợp. Nhờ vậy, năng lực và phẩm chất người học được hình thành và phát triển một cách tối ưu. “Trường học thông minh tạo cơ hội và điều kiện để người học được khám phá và kiến tạo tri thức, phát huy năng lực tự chủ và thích ứng, tư duy sáng tạo, hình thành năng lực và phẩm chất người học thông qua những hướng dẫn của GV phù hợp với đặc điểm, nhu cầu HS”, TS. Nguyễn Thanh Giang khẳng định. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích cho thấy những ưu điểm của mô hình nói trên không chỉ là lý thuyết suông mà đã cho thấy hiệu quả ngay trong thực tế… Ông Hồ Quang Toản, Kỹ sư Trường CĐ Dầu khí Vũng Tàu dẫn chứng, để áp dụng mô hình GDTM, nhà trường đã đầu tư phần mềm quản lý đào tạo Emis từ những năm 2000. Hệ thống này giúp nhà trường theo dõi, quản lý được quá trình học tập của người học, từ đó giúp các phòng chuyên môn và GV đưa ra các phương án cải thiện chất lượng học tập cho SV. Trường cũng xây dựng hệ thống thi, kiểm tra online, giúp đánh giá quá trình học tập của người học được khách quan, công bằng, giảm thời gian tổ chức các kỳ thi. Nhà trường còn là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đầu tư các mô hình mô phỏng động để mô phỏng các hoạt động của các quá trình công nghệ dầu khí, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy chế biến phân bón, nhà máy lọc hóa dầu. Dựa vào mô hình này, người học hiểu rõ được các quá trình công nghệ diễn ra phức tạp ở thực tế; đồng thời hiểu rõ được quy trình vận hành tại các nhà máy trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. 

Dạy trực tuyến là phương pháp giảng dạy giúp HS phát huy năng lực và phẩm chất người học. Trong ảnh: GV Trường THCS Nguyễn An Ninh dạy học trực tuyến cho HS.

Không chỉ áp dụng hiệu quả trong các trường giáo dục nghề nghiệp, mô hình GDTM còn có thể áp dụng hiệu quả trong trường phổ thông. Ông Nguyễn Thành Nhân, Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) cho hay, hiện nay nhà trường đã vận dụng một số mô hình GDTM tại trường học để phát huy năng lực, phẩm chất của từng HS. Đầu tiên, trường triển khai mô hình dạy học Stem - Vinaponic. Đây là mô hình giáo dục nhà kính với đầy đủ các kỹ năng và kiến thức về các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và năng lượng, dự báo thời tiết, trồng trọt, chăn nuôi… theo quy mô khép kín để HS học tập và trải nghiệm thực tế. 

Tại các lớp học của Trường THPT Trần Văn Quan đã được trang bị bảng tương tác 80 inch để HS và GV vận dụng các phương pháp giảng dạy, học tập và trải nghiệm. Không những vậy, trước khi vào bài học, GV tổ chức cho HS chơi các trò chơi giải trí, tạo không khí vui tươi, sảng khoái, đầu óc minh mẫn, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ học tập mới. Những trò chơi GV thiết kế đều có nội dung, kiến thức liên quan đến bài học mới. Qua đó, giúp các em hào hứng, phấn khởi trong tiết học. “Sau thời gian vận dụng một số mô hình GDTM, đã tạo động lực và nguồn cảm hứng cho cả GV lẫn HS, phụ huynh đón nhận nồng nhiệt”, ông Nguyễn Thành Nhân khẳng định.

 

 


Số lượt đọc: 2618 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác