Khuyến khích tái đàn cả trang trại và nông hộ
Trao đổi với Báo NNVN, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin, hậu dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) toàn tỉnh mất hơn 44.000 con lợn (từ 406.000 con giảm còn 362.000 con). Tổng đàn giảm một phần do dính bệnh phải tiêu hủy, phần nữa bà con không tái sản xuất do lo ngại dịch bệnh.
Trong tổng số 44.000 con lợn mất đi có đến 10.000 con lợn nái; trong đó, khoảng 4.000 con tiêu hủy do dịch, số còn lại bà con bán đi hoặc lợn ốm chết, giảm đàn.
Hậu dịch, tỉnh Hà Tĩnh khuyễn khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ, song tập trung mạnh ở khối trang trại vì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở các đơn vị lớn được thực hiện cực kỳ chặt chẽ. Con số tổng hợp đến thời điểm này cũng cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi trang trại toàn tỉnh cũng đã tăng lên đạt 55%, cao hơn trước đây từ 15 – 25%.
“Mặc dù chúng tôi khuyến khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ nhưng việc tăng đàn đang gặp 2 khó khăn chính. Một là khan giống, hai là dịch bệnh giảm nhưng chưa hết hẳn nên bà con đầu tư tái sản xuất có tâm lý dè dặt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phân tích về yếu tố khan giống, ông Hùng cho hay, 22.000 con lợn giống đang nuôi trong trang trại là giống ngoại (2 máu), trong khi 13.000 con lợn nái dân nuôi là nái lai (3 – 4 máu). Do đó, việc lựa chọn lợn giống để tái sản xuất của khối trang trại và nông hộ cũng khác nhau.
Hiện hầu hết con giống các trang trại sản xuất ra chỉ đủ phục vụ hoạt động tái sản xuất của chính trang trại trại đó, còn con giống sản xuất trong nông hộ thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí một số vùng chăn nuôi nông hộ đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng không thể mua được con giống, giá lợn giống hiện nay đã tăng lên 2,5 – 2,8 triệu đồng/con có trọng lượng 7kg.
“Người chăn nuôi nông hộ ở Hà Tĩnh rất chuộng giống lợn nái lai vì nó dễ nuôi, có sức chống chịu tốt và giá rẻ hơn lợn nái ngoại. Tuy nhiên, thời điểm này với số nái lai hiện có thì con giống sản xuất ra không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi của 26.000 hộ”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhẩm tính.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh tái sản xuất hậu DTLCP.
Theo ông Lê Tiến Cát, giám đốc công ty, giai đoạn này tái đàn là phù hợp và cực kỳ cần thiết, nhưng chỉ nên tái đàn mạnh ở khối trang trại, còn nông hộ vẫn phải giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hay nói cách khác, muốn tăng đàn, tái đàn an toàn thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề môi trường, phải đảm bảo cách ly “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tái đàn mà để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại lần thứ hai này sẽ khiến người chăn nuôi khánh kiệt.
rong quá trình chống chọi với DTLCP, Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn vẫn bảo toàn được đàn nái bố mẹ 350 con. Hiện giá lợn đang cao, để nâng cao hiệu quả sản xuất công ty đang đề xuất cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương mở rộng thêm 4 dãy chuồng nuôi 2.000 con lợn thịt, với tổng mức đầu tư 3,5 – 4 tỷ đồng.
Ngoài nguồn lực tự có của doanh nghiệp, trang trại còn được Bộ NN-PTNT hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ xử lý môi trường chăn nuôi cho các xã biên giới để lắp thêm máy móc, thiết bị xử lý môi trường. Đây là nguồn lực kích cầu hết sức kịp thời, góp phần giúp các trang trại chăn nuôi khôi phục sản xuất bền vững.