Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, bữa ăn truyền thống của người Việt Nam trong quá khứ thực ra chỉ có cơm, rau, cá, tôm, đậu, đỗ, thỉnh thoảng giỗ, tết mới có thịt gà, chứ không nhiều thịt lợn như hiện nay.
Các cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, từ những năm 80 trở lại đây, thói quen tiêu thụ thịt, nhất là thịt lợn của người Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh. Cuộc tổng điều tra gần đây nhất, thịt lợn đứng đầu, chiếm khoảng 85g/đầu người/ngày; cá, hải sản khoảng 50g.
Kết quả thống kê cho thấy, khẩu phần ăn của người Việt Nam qua các thời kỳ năng lượng chưa tăng, song biến thiên thịt tăng nhiều.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông dinh dưỡng và cân đối lại các loại thịt cũng như thủy hải sản, đậu phụ, đậu đỗ trong bữa ăn, qua đó góp phần phòng chống bệnh tật tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nên ăn đa dạng thực phẩm, càng đa dạng càng tốt.
Ví dụ, một ngày mỗi người nên ăn 15 - 20 loại thực phẩm khác nhau, mỗi thứ một chút cơ thể sẽ đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng.