Tuy nhiên, giới chuyên gia về sưa cũng khuyến cáo người trồng cần cân nhắc kỹ vì có nhiều rủi ro với loại cây này.
Khi PV NNVN đến xã Tân Hưng hỏi thăm nhà ông Bùi Xuân Thủy với biệt danh Thủy “Sưa” thì ai cũng biết bởi ông được xem là một trong những người sở hữu vườn cây sưa lâu năm nhất tại địa phương. Ông Thủy có 2 ha đất được phủ kín toàn cây gỗ sưa ai nhìn thấy đều mê mẩn, bởi chúng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra cảnh quan sinh thái vô cùng mát mẻ, hòa quyện cùng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ theo kiểu 3 gian Bắc bộ được bao quanh bởi những cây sưa cao to tỏa bóng xanh mát, ông Thủy cho biết, ông vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi được xem là thủ phủ cây sưa của cả nước. Do đất chật, người đông, nghe nhiều người giới thiệu Bình Phước có đất đai trù phú, màu mỡ, năm 1997 ông quyết định rời quê hương và chọn xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú lập nghiệp với hành trang trong tay là nghề mộc gia truyền.
Ông Thủy kể, mặc dù sớm nhận biết sưa là cây trồng đầy tiềm năng, thế nhưng phải mất nhiều năm bôn ba, vất vả mưu sinh, sau khi tích lũy được số đất và vốn nhất định, năm 2002 ông mới bắt tay vào trồng cây sưa.
Ban đầu, ông phải ra tận Vĩnh Phúc để mua hơn 100 cây sưa giống về trồng xen trong vườn điều. Đến năm 2012, ông tổ chức ươm giống vừa mở rộng diện tích vườn sưa của gia đình, đồng thời cung cấp giống giá rẻ (10.000 đồng/cây) cho bà con địa phương. Hiện nay, số lượng sưa đỏ trong vườn ông Thủy có khoảng trên 1.000 cây, tuổi đời từ 8 đến 13 năm. Cây có giá trị nhất, ước tính được khoảng 100 kg lõi, được thương lái trả với giá 250 triệu đồng. Những cây còn lại dao động từ 80 đến 170 triệu đồng/cây.
Ông Thủy bên những cây sưa lâu năm của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Ông Thủy chia sẻ, sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loại gỗ quý vì nó có vân rất đẹp, không nứt, không biến dạng, không bị mối mọt. Ngoài ra, phần lõi gỗ sưa còn có chứa tinh dầu, mùi thơm rất lâu. Thời kỳ phong kiến, gỗ sưa người ta dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình. Ngày nay, gỗ sưa được sử dụng làm đồ mỹ nghệ hoặc tượng trong các ngôi đền, chùa…
Những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam săn lùng cây gỗ sưa, từ đó đẩy giá gỗ sưa lên cao ngất ngưởng, không khác gì “vàng đen”. Có thời điểm 1 kg phần lõi của cây sưa có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, cây sưa có giá vài tỷ đồng hiện nay không phải dạng hiếm. “Chỉ cần gỗ sưa có giá bằng với các loại gỗ quý thông thường như cẩm lai, cam se, sến, sao,… thì nhà nông đã đủ làm giàu rồi”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, trồng cây sưa đỏ không khó, chỉ cần đào hố trồng cây được ươm trong bầu đất, làm cỏ khi cây còn nhỏ, khi khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi. Sưa đỏ không tốn phân bón, nhưng nguy hại nhất là sâu đục thân, phải thường xuyên thăm rừng để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào lỗ cây, tiêu diệt sâu.