Điều này dẫn đến nguy cơ đẩy một bộ phận nông dân quay trở lại ngưỡng nghèo.
Tông dúi giúp Mao Zuqin đổi đời nhưng giờ đây, vì đại dịch Covid-19, ông có nguy cơ trở lại tình trạng đói nghèo. Covid-19 được cho là bắt nguồn từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi buôn bán, giết mổ tại chỗ nhiều loài động vật với điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Trong 5 năm qua, Mao xây một trang trại ở huyện Bình Lạc, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, đủ để nuôi 1.100 con tông dúi - loài gặm nhấm có thể dùng làm thực phẩm.
Tháng 2, chính phủ Trung Quốc yêu cầu dừng mọi hoạt động mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, bất kể nuôi hay bắt, bởi đây được cho là nguồn gốc dẫn đến đợt bùng phát Covid-19.
Mao vẫn phải nuôi đàn tông dúi và không có cách nào trang trải các chi phí liên quan.
“Tôi nợ ngập cổ rồi”, Mao trả lời New York Times qua điện thoại.
Nuôi động vật hoang dã là lĩnh vực lớn ở Trung Quốc, trị giá gần 8 tỷ USD theo một ước tính năm 2017. Tìm kiếm việc làm thay thế là nhiệm vụ khó, đặc biệt là trong thời hậu Covid-19.
Tại Quảng Tây, các trang trại nuôi tông dúi mọc lên như nấm sau mưa trong hai thập kỷ qua và được chính quyền địa phương khuyến khích là cách đưa nông dân thoát đói nghèo. Liu Kejun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chăn nuôi động vật Quảng Tây, cho biết có khoảng 100.000 người đang nuôi 18 triệu con tông dúi tại tỉnh.
Mao chưa lập gia đình và đang sống cùng người mẹ đau ốm. Ông thường thu về 700 USD mỗi năm từ trồng lạc và ngô trước khi chuyển sang nuôi tông dúi năm 2015. Ban đầu, Mao nuôi 100 con và dần mở rộng. Với đàn 1.100 con hiện nay, Mao có thể kiếm hơn 14.000 USD mỗi năm nhưng con số này có nguy cơ không thành hiện thực.
“Tôi đầu tư nhiều tiền đến mức không dám từ bỏ”, Mao cho biết. “Tôi cảm thấy bất lực”.
Số phận của hàng triệu con tông dúi trở nên bất định vì lệnh cấm. Mao tiếp tục nuôi đàn tông dúi, chờ chỉ thị tiếp theo từ nhà chức trách. Trong khi đó, nông dân tại tỉnh lân cận Quảng Đông phải tiêu hủy hàng nghìn con trước sự chứng kiến của nhân viên chính quyền.
Một số khu vực, chưa có Quảng Tây, triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng. Hồ Nam đề xuất tăng mức bồi thường với người nuôi tông dúi, rắn, nhím, cầy hương và hươu.
Nhà chức trách còn khuyến khích nông dân chuyển sang nuôi trồng các loại cây dùng làm thuốc hoặc loài vật cho da thuộc, đồng nghĩa thịt của chúng vẫn có thể đưa ra thị trường. Lông tông dúi có thể dùng để làm bàn chải nhưng Xie Fujie, nông dân tỉnh Quảng Tây, nói nhu cầu về lông quá hạn chế, không đủ để thay thế cho thịt. Xie nuôi tới 15.000 con tông dúi.