Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên 119.773ha, thập niên 80 của thế kỷ trước, nơi đây được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng”.
Vào mùa khô, lửa cháy ngùn ngụt cả tháng trời, hàng nghìn ha rừng biến khỏi mặt đất. Đã có hai thế hệ trồng và bảo vệ rừng, một người đã hy sinh cho màu xanh của rừng, với khát vọng: Rừng xanh sẽ phủ khắp Mù Cang Chải…
Người liệt sĩ đã hy sinh trong trận cháy rừng mùa khô năm 1980 là chị Phạm Thị Tiến đã được nhiều người trồng rừng nơi đây kể lại trong nhưng năm gian khó nhất của việc trồng và giữa rừng ở Mù Cang Chải.
Đầu tháng 4/1980 đang vào cuối mùa khô trời nắng và gió, lửa đốt nương tràn qua đường ranh cản lửa bén vào khu rừng thông Nả Háng Tâu, lửa cháy rất mạnh và lan ra rất nhanh, chỉ trong chốc lát vòng cung lửa đã thít ngang núi, gió càng làm cho ngọn lửa bốc cao hơn.
“Con trăn lửa” càng trở nên hung hãn và dữ tợn, nó quăng mình từ trên sườn núi xuống rồi lại từ lòng thung vượt lên như muốn nuốt chửng lấy cánh rừng thông hình tháp.
Sau một hồi kẻng, tất cả mọi người đều đổ cả lên rừng họ phát một đường ranh cản lửa mới chặn phía trước không để ngọn lửa băng qua.
Chị Phạm Thị Tiến là y tá của lâm trường vừa sinh con được hơn một tháng, chị không thể ngồi yên khi thấy rừng đang bốc cháy, chị quấn con đặt xuống giường rồi lao theo mọi người lên rừng dập lửa.
Một trận gió xoáy tràn qua bốc cả một mảng cỏ tranh đang ngùn ngụt cháy quăng lên sườn núi phía sau chị, luồng gió bị hai sườn núi ép lại thổi bùng ngọn lửa bốc cao tạo ra một đám cháy lớn khác. Mọi người thét lên khản cả giọng: Chạy đi! Chạy đi Tiến ơi! Lửa đang cháy ở phía sau đấy…
Chẳng biết Tiến có nghe được những tiếng thét gọi ấy không, khi chị quay lại thì đã muộn, ngọn lửa quây chặt lấy chị tứ bề.
Đôi chân của người phụ nữ mới sinh suốt mấy tiếng đồng hồ chạy dập lửa trên các triền núi lúc ấy đã kiệt sức không thể nào đứng lên nổi, sóng lửa trùm lên nuốt chửng lấy toàn thân chị.
Tới tận nửa đêm ngọn lửa cháy rừng mới tắt, gần 100ha rừng thông bản Nả Hang Tâu và Mí Háng Tâu bị lửa thiêu trụi.
Đêm ấy, mọi người ngước nhìn lên núi những cây thông cháy đỏ lập lòe nom như những nén hương cắm rải rác khắp các triền núi như thể tưởng niệm người phụ nữ vừa hy sinh cho màu xanh của rừng…
Hai bản người Mông đầu tiên là Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu vào lâm trường, giám đốc khi đó là ông Lâm Phúc Cố cùng với cán bộ của lâm trường đã tới từng nhà giải thích và trả lời từng câu hỏi của bà con, vận động bà con vào lâm trường.
Điều mà ông Cố rút ra sau những trận cháy rừng: Chỉ những người dân địa phương ở đây họ mới chính là người giữ rừng khi rừng mang lại cuộc sống no đủ cho họ.
Cuộc sống của hai bản Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu dần dần khá lên, mùa đến nhà nào cũng rủng rỉnh lúa ngô, tiền lương họ dành mua đài, sắm xe, con cái họ đi học đều biết chữ, “con ma” không đến bắt họ ốm đau như nhiều năm trước…
Họ bảo nhau: Ta vào lâm trường thôi, nhà nước bán cho ta gạo ăn, lại cho tiền trồng rừng nữa, ốm đau đi viện không mất tiền…