Đây là một nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong bài tham luận gửi Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán nhà nước” được tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được nâng cao
Đối với thị trường lao động Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.
Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.
Chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017.
Năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động sẽ thay đổi
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước.
Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0).
Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Và thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đại dịch COVID-19.
Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động Thế giới, trong đó có Việt Nam.