Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trong Hội nghị Ban Chỉ đạo Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra tại TP.HCM sáng 22/6. Cùng tham dự có đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và doanh nghiệp trong cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 10 năm thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ), cả nước đã đào tạo được 2,3/3,0 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, đạt 77% kế hoạch đề ra, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 100% kế hoạch (1,4 triệu lao động nông thôn).
Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, những thành tựu trong công cuộc dạy nghề có thể kể đến như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu.
Tuy vậy, hoạt động dạy nghề cũng có nhiều hạn chế, cụ thể: Nhiều cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm...
“Cần có khảo sát toàn quốc về nguồn nhân lực cho nông thôn, trên cơ sở định hướng của Bộ NN-PTNT về nhu cầu sản xuất, quy hoạch vùng nông nghiệp. Trên cơ sở số liệu khảo sát này, các trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực lao động cho nông thôn.
Bên cạnh đó, chúng ta đào tạo lao động theo nhu cầu. Nghĩa là các doanh nghiệp và trường đào tạo lao động cần phối hợp chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp có định hướng nguồn nhân lực ở hiện tại và trong tương lai như thế nào, chỉ cần cung cấp cho các đơn vị đào tạo, họ sẽ căn cứ vào đó mà đào tạo nhân lực phù hợp.