Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện nghị quyết của Quốc hội giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến đất đai.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Vấn đề khiếu nại tố cáo là vấn đề bức xúc, trong một thời kỳ khá dài”. Hiện nay chỉ số liên quan đến bức xúc về khiếu nại, tố cáo các vấn đề đất đai vẫn là con số cao nhất (khoảng trên 60%).
Thông qua Luật Đất đai 2013, với các quy trình thủ tục hết sức bài bản đã giảm được tố cáo đông người. Còn những vụ việc phức tạp chủ yếu tồn tại từ giai đoạn trước năm 2013 (khi thi hành Luật Đất đai năm 2003).
Nguyên nhân là do đến các vấn đề định giá đất, trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư chưa đáp ứng thỏa đáng. Nhất là các hoạt động nhà nước thu đất đai để thực hiện các công trình kinh tế, xã hội, dân sinh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay đã giải quyết và kéo giảm đi khoảng 30 – 40% khiếu nại (chủ yếu là khiếu nại trước năm 2003). Còn từ 2013 đến nay, các vụ khiếu kiện, tố cáo chủ yếu liên quan đến giải quyết đât đai nông, lâm trường.
“Đây là vấn đề tồn tại do cơ sở dữ liệu, tài liệu quản lý lỏng lẻo; liên quan đến lợi ích của các, nông trường viên”.
Hiện nay chúng tôi từng bước xác lập lại cơ sở dữ liệu cũng như xem xét để thay đổi cơ cấu tổ chức của các nông, lâm trường một cách hiệu quả. Các khu vực tranh chấp sẽ giải quyết triệt để.
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan chủ quản, tức là các cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Mỗi cơ quan, tổ chức lại có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo tôn chỉ mục đích để tuyên truyền, từ đó, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam.
“Nếu không có sự phân vai thì dễ lệch bên này, lệch bên kia, nhiều chỗ này, ít chỗ kia và nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội sẽ không được đề cập”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông, khi tập trung làm việc theo tôn chỉ mục đích của mình, báo chí sẽ viết được chuyên sâu, điều mà báo chí hiện nay còn yếu.
Về ý kiến việc thực hiện tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí đặc biệt là chống tiêu cực tham nhũng, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông khẳng định: “Không hạn chế quyền đó, khi cơ quan báo chí đi theo mảng chuyên ngành của cơ quan chủ quản thì sẽ có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực tham nhũng theo chuyên ngành của mình, thậm chí còn thuận lợi vì có thể viết sâu”.
Người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, thời gian qua, có nhiều cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với chuyên ngành, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan, tổ chức và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của báo chí.
“Bộ Thông tin - Truyền thông đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chủ mục đích”, ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông cho rằng đã xảy ra và đỉnh điểm là năm 2017, mỗi tuần có hàng chục vụ bị phát hiện.
Từ năm 2018, Hội nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin - Truyền thông đã dùng công nghệ, phát triển công cụ phát hiện ra các bài mà sáng đăng, chiều gỡ, từ đó nhắc nhở các cơ quan báo chí, yêu cầu giải trình trong giao ban hàng tuần và xử lý hành chính theo quy định.
Hiện nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ có 1-2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập nên phải sửa lại.
Đối với tin sai, tin giả, ông Hùng khẳng định ở Việt Nam xuất hiện chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, cụ thể là Facebook và YouTube.
Bộ Thông tin - Truyền thông đã xác định việc làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt với nhiều thể chế và công cụ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công cụ quản lý được xây dựng như trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc.
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc. Tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này đã tăng lên.
Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017.
Năm 2021, Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.
Đối với vấn đề đại biểu Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu liên quan đến việc bố trí nguồn lực đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, hiệu quả đầu tư không cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Có hai Quyết định để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số là Quyết định 2085 (đối với dân tộc ít người) và Quyết định 2086 đối với đồng bào dân tộc rất ít người.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là hai chương trình đặc biệt có ý nghĩa và quan trọng đối với đồng bào dân tộc ít người. Tuy nhiên chúng ta lại ra Quyết định vào năm 2016, tức là sau khi Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do đó, không kịp đưa vào kế hoạch đầu tư của giai đoạn.
Đến năm 2019, Chính phủ mới báo cáo Quốc hội và đã đưa vào năm 2020, do vậy nguồn vốn được phân bổ chậm hơn các chương trình khác. Ông Dũng cũng cho biết đặc điểm của hai chương trình này rất đặc thù, một là quy mô nhỏ, hai là nằm ở các vùng sâu vùng xa và rất khó tiếp cận.
Đối với các hạng mục công trình thì chúng ta thực hiện theo Luật Đầu tư công, do vậy việc triển khai các thủ tục theo Quyết định 2086 đối với dân tộc rất ít người thì tỷ lệ giải ngân rất tốt (hiện nay đạt trên 60%).
Còn đối với các chương trình theo Quyết định 2085 về hỗ trợ cho đồng bào ít người thì lại thực hiện hỗn hợp cả công trình và phi công trình, như vậy cần phải có một hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc. Vừa rồi Ủy ban Dân tộc đã hướng dẫn và đang triển khai nên chậm hơn so với chương trình kia.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sắp xếp tổ chức hệ thống thú y đang được thực hiện.
Hiện nay, khi dịch bệnh xảy ra có một số tình trạng không đáp ứng được nhu cầu trong quản lý và phòng chống dịch.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp từ năm 2021-2030 và đề nghị các địa phương đề xuất mô hình quản lý để xây dựng hệ thống thú y tốt nhất.
Do đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mong muốn các địa phương sớm có ý kiến đóng góp cho đề án của Bộ NN-PTNT để Bộ Nội vụ cùng Bộ NN-PTNT sớm hoàn thành và ban hành các văn bản, quy định tiếp theo để xây dựng ngành thú y của chúng ta đủ năng lực khống chế dịch bệnh trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình hình tội phạm liên quan việc đạo đức xã hội xuống cấp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm do nguyên nhân xã hội hiện nay rất đáng quan ngại.
Cụ thể, gần đây tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng, năm 2020 đã xảy ra 1.113 vụ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 212 vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.
“Điều này thể hiện những vấn đề rất đáng lo ngại vì xuống cấp của đạo đức xã hội”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ Công an, để giải quyết tân gốc loại tội phạm này, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Từ đó, khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức con người, không chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế mà cần coi trọng đầy đủ hơn các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển.
Trước mắt, để hạn chế loại tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành cùng với lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, quán lý, giáo dục, cảm hóa các đối tượng không để nảy sinh tội phạm.
Riêng với lực lượng công an, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh cần tăng cường, nâng cao hoạt động của lực lượng ở cơ sở, nhất là hoạt động của công an cấp xã, phường để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, ngăn ngừa nảy sinh tội phạm, nhất là tội phạm trong gia đình.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Thị Dung, về những vấn đề tồn tại trong việc thi hành án hành chính, ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, cho biết: “Thi hành án không phải trách nhiệm của tòa án”.
Nếu thi hành án hình sự thì sau khi có bản án, trách nhiệm thuộc về Bộ Công an. Thi hành án dân sự thì trách nhiệm thuộc về Bộ Tư pháp còn thi hành án hành chính thì trách nhiệm thuộc về các bên.
“Chính vì không có cơ quan thứ 3 nên tính cưỡng chế trong thi hành án hành chính là không có và việc nay có thể dẫn đến tùy nghi và tỷ lệ thi hành án các bản án hành chính còn rất thấp”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội cần có tổng kết và giải pháp căn cơ chính để thay đổi quy định này.