Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long
Nước sông trong dò lòng dâu bể
Tiếng anh hùng tạc để ngàn thu
Xa xa con én liệng mù
Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày
Những vầng thơ dân gian Bình Định nói về việc bên kia dòng Kôn Giang hiền hòa, thơ mộng là ngôi tháp cổ Thủ Thiện, bên này là ngôi tháp Dương Long nguy nga, tráng lệ. Nơi đây từng lưu dấu một quá khứ hào hùng, một nền văn minh rực rỡ của vương quốc cổ Chăm Pa.
Dương Long là một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, nằm trên trục thẳng hàng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông.
Hiện nay tháp nằm trên địa phận hai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cách trung tâm huyện chừng 12km về phía Đông. Tháp có nhiều tên gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi là Tour d’Ivoire (tháp Ngà).
Nhưng Dương Long là tên gọi chính thức và phổ biến hiện nay. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một đồi cao có tên là Dương Long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.
Cách đây gần một thế kỷ, trong tác phẩm các di tích Chàm của tỉnh Bình Định (Monuments Kiams de la province de Bình Định), học giả người Pháp Ch.Lemire đã có một đoạn mô tả về tháp Dương Long khá chi tiết.
Theo đó, ba tòa tháp được xây cất trên một quả đồi với một cánh rừng xoài và mít tuyệt đẹp. Dù cảnh trí giờ đây đã thay đổi nhiều nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của tháp Dương Long vẫn còn đó.
Trở lại lịch sử, sau chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho nước Việt. Vào thời nhà Tống, để làm suy yếu Đại Việt và dễ bề cho mưu đồ thôn tính, nhà Tống thường xuyên xúi Chăm Pa, Chân Lạp quấy rối, gây hấn với Đại Việt.
Để phá thế hợp tung, năm 982, vua Lê Hoàn cử sứ thần là Từ Mục, Ngô Tử Cang sang giao hảo với Chăm Pa. Vua Chăm không những không tiếp đón mà còn sai bắt giam sứ thần. Lê Hoàn nổi giận cho quân tiến đánh Chăm Pa, phá nát kinh đô của Indrapura (Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam hiện nay) chém chết vua Chăm là Phê Mi Thuế (Parameshvaravarman) rồi rút quân về.
Chăm Pa là một vương quốc bao gồm nhiều tiểu quốc hợp thành. Thời kỳ cực thịnh, lãnh thổ Chăm Pa trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay, bao gồm 5 tiểu quốc: Tiểu quốc Indrapura (từ Quảng Bình đến Thăng Bình, Quảng Nam), đây cũng là kinh đô vủa Vương quốc Chăm Pa lúc bây giờ; Amaravati (từ Quảng Nam đến bắc Quảng Ngãi); Vijaja (từ Quảng Ngãi đến Bình Định); Kauthara (từ Phú Yên đến Khánh Hòa); Panduranga (từ Ninh Thuận đến Bình Thuận).
Dưới sức ép của Đại Việt, từ năm 999 đến năm 1000, Chăm Pa dời đô từ Indrapura (Quảng Nam) về Vijaja (Bình Định), xây dựng kinh thành Vijaja, tiếng việt gọi là thành Đồ Bàn. Vijaja là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV).
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông tấn công Chăm Pa phá hủy kinh thành Vijaja, sát nhập khu vực này vào Đại Việt khiến vai trò lịch sử của thành Đồ Bàn chấm dứt. Lúc này, lãnh thổ Chăm Pa chỉ còn từ Phú Yên đến Bình Thuận ngày nay.
Sau khi dời đô từ Quảng Nam về Bình Định, vua Chăm cho xây dựng nhiều đền tháp để thờ các vị thần của mình.
Qua thời gian, chiến tranh và sự tàn phá của con người, Bình Định hiện nay còn lại 7 cụm đền tháp với 13 ngôi tháp còn hiện hữu, gồm Phú Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Bình Lâm, Tháp Đôi (2 tháp), Dương Long (3 tháp) và Bánh Ít (4 tháp). Trong đó, Dương Long là quẩn thể tháp Chăm quy mô, đồ sộ và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dương Long được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015.