Đánh kẻng gọi gà
Cứ chiều muộn là trang trại diện tích rộng tới hơn 4 ha của anh Nguyễn Việt Dũng ở xã Cổ Đông Thị xã Sơn Tây lại vang lên tiếng đánh kẻng rộn rã. Nghe thấy âm thanh quen thuộc, đàn gà Mía 20.000 con đang mải dạo chơi bên ngoài vội lục tục lũ lượt chạy về, kỷ luật hệt như trong quân đội. Chăn gà đã hơn 10 năm nhưng 8 năm trước anh chỉ nuôi nhốt trong chuồng, 2 năm nay mới phát hiện ra là khi nuôi dạng thả chúng khỏe hơn, mào đỏ tươi, lông óng mượt và đặc biệt là thịt ngon hơn nên mới quyết định kết hợp cả hai cách.
Hai tháng đầu khi gà còn non được nuôi nhốt hoàn toàn, hai tháng sau thì thả. Sáng khi gà đã ăn no anh thả ra ngoài đồi. Cả một ngày chúng sẽ tha hồ bươi, tìm các loại côn trùng, giun dế, cỏ, lá thậm chí nuốt cả sỏi, đá giống như tập quán di truyền từ tổ tiên để giúp cho diều có thể nghiền nát các loại thức ăn một cách tốt hơn. Buổi chiều muộn, hễ đánh kẻng vài hồi thì chúng lại quen máng ăn, quen chủ lon ton chạy về chỉ việc quây lưới lại là xong.
Gà Mía vốn là giống gà hướng thịt nổi tiếng có nguồn gốc từ xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây cũ nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Tên gọi gà Mía gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài cổ xưa như chợ Mía, chùa Mía. Sở dĩ anh Dũng chọn con gà Mía thuần để nuôi là bởi tính an toàn của chúng cả về khả năng phòng bệnh cũng như độ ổn định về thị trường: “Là giống địa phương nên chúng rất khỏe và thích nghi tốt với môi trường ở đây. Hơn thế, vì chất lượng thịt, trọng lượng, kích cỡ vừa phải hợp cả với nhu cầu ăn của gia đình cũng như đám cỗ nên giá bán thấp nhất cũng được 70.000đ/kg, cao nhất được 110.000đ/kg, trung bình được 90-100.000đ/kg trong khi đó giá thành chỉ vào khoảng 55.000đ/kg, luôn có lãi. Mỗi lứa gà 4,5 tháng nên một năm tôi nuôi 2 lứa, còn để trống chuồng 3 tuần để vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêu độc. Tính ra cả năm cũng để ra được chừng 400-500 triệu”.
Đây là lần thứ hai anh Dũng tiếp cận với vốn quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội, lần đầu năm 2018 vay 500 triệu đã trả xong, giờ lại lập phương án vay mới 500 triệu nữa nên mọi thủ tục đã không còn bỡ ngỡ. Anh tâm sự: “Làm nông nghiệp có nhiều rủi ro mà phải vay nhiều vốn ngân hàng thì rất khổ bởi lãi cao đã đành lại không ổn định về lãi, lúc lên, lúc xuống chứ không cố định, nhất là nếu có tiền mà trả trước thời hạn còn bị phạt hợp đồng vì họ chỉ là chỗ “buôn tiền” mà thôi. Còn quỹ khuyến nông mang tính trợ giúp cho nông dân là chính nên mức quản lý phí rất thấp, có tiền mà trả trước thời hạn còn được giảm. Trong quá trình sản xuất còn được cán bộ thường xuyên hỏi han, bảo ban về kỹ thuật, thị trường…”
Cho bồ câu ấp trứng giả
Vợ chồng chị Đỗ Thị Kim Anh ở làng Thủ Trung xã Thanh Mỹ thị xã Sơn Tây có thâm niên nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản được 3 năm. Đây là giống bồ câu ngoại có tỷ lệ đẻ nhiều, tiêu thụ thức ăn ít, phù hợp khí hậu nhiệt đới, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, lớn nhanh và trọng lượng trung bình gấp đôi bồ câu ta nên gần đây được nhiều người chọn lựa nuôi.