Theo CNN, thiết bị sản xuất nước sạch có tên GENius, hoạt động như một bộ chuyển đổi nhiệt để làm lạnh không khí và ngưng tự hơi nước.
Sau khi được đưa vào hệ thống GENius, không khí sạch được khử hơi nước. Nước từ không khí sẽ được thu lại trong một bể chứa. Tại đây, nước sẽ được dẫn qua một hệ thống lọc để khử bẩn, loại bỏ chất hóa học và vi sinh vật. Bể chứa bên trong sẽ lưu trữ và bảo vệ nước sạch ở điều kiện đảm bảo chất lượng cao.
"Nhiều công ty từng áp dụng phương pháp tách nước sạch từ không khí. Điều này có vẻ khá đơn giản, nhưng vấn đề là làm thế nào để thực hiện được một cách hiệu quả. và sản xuất được càng nhiều càng tốt với mỗi kilowatt điện", Arye Kohavi, đại diện của công ty Water-Gen, nhà sản xuất hệ thống sản xuất nước sạch, cho hay.
Hệ thống của Water-Gen có thể sản xuất từ 250-800 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ và độ ẩm. Chi phí sử dụng điện năng để sản xuất một lít nước sạch là khoảng 2 cent (0,02 USD).
Mục tiêu sản xuất ban đầu của hệ thống GENius là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF). Các thiết bị GENius cũng đã được bán cho nhiều đơn vị quân đội ở 7 quốc gia khác.
Trong tương lai, Water-Gen hy vọng rằng thiết bị này có thể phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân ở các quốc gia đang phát triển và khu vực còn thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Tại Ấn Độ, GENius có thể sản xuất một lít nước sạch với chi phí 1,5 rupee, rẻ hơn nhiều so với số tiền 15 rupee để có một lít nước đóng chai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 780 triệu người trên thế giới hiện nay không được sử dụng nước sạch, mỗi năm có 3,4 triệu người chết vì các căn bệnh liên quan đến nước bẩn. Water-Gen hy vọng rằng sản phẩm của họ có thể đóng góp một giải pháp hữu ích trong tình trạng khủng hoảng nước hiện nay.