- Xây dựng chuồng trại
- Chuồng nuôi cá sấu có hệ thống rào chắc chắn, có bể chứa nước (bể đất hoặc bể xi măng), có khu vực cho cá sấu ăn và có nhiều cây bóng mát.
- Địa điểm làm chuồng để nuôi cá sấu: cần chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, kín gió. Điều cần chu ý là các hàng rào cây chắn gió không được che khuất ánh nắng mặt trời buổi sáng và buổi chiều chiếu vào chuồng.
- Kích thước chuồng để nuôi cá sấu thương phẩm rất đa dạng. Chuồng nuôi cá sấu thường có kích thước 10 x 10m (trong chuồng có đào một ao chứa nước). Với kích thước này có thể nuôi 100 con cá sấu 1 – 2 tuổi (mật độ 1 con/m2). Một chuồng cỡ trung bình kích thước 30 x 30m có thể nuôi hơn 800 con cá sấu cỡ thương phẩm.
- Rào chắn cá sấu không có khả năng leo trèo cao để vượt rào ra ngoài, vì thế không cần phải làm rào chắn quá cao. Tuy thế chúng có thể tẩu thoát bằng cách dũi đất – nhất là khi đất quá ẩm; vì vậy nên chôn hàng rào sâu ngập trong đất ít nhất 50cm.
- Có thể dùng gỗ, lưới kim loại, các tấm thiếc để làm rào quây chuồng hoặc xây tường bao bằng gạch.
- Có thể dùng gạch để xây móng chìm trong đất và xây thành tường cao lên cách mặt đất 30cm. Phía trên thành tường này người ta cột gỗ hoặc lưới kim loại để rào kín. Cách làm này đã làm tăng tuổi thọ của công trình. Kinh nghiệm nuôi cá sấu cho thấy tường rào xây cao khoảng 1,4m có thể nuôi nhốt những con cá sấu dài 2 mét an toàn.
- Trong chuồng nuôi cá sấu nhất thiết phải có nước cho cá sấu đầm mình, vì vậy phải có ao hoặc bể xây.
- Ao đất (hoặc bể đất) nếu đào nông khó giử được nước, nhưng nếu đào sâu cá sấu đã xuống nước sẽ khó lên bờ. Người ta dùng các khúc gỗ, tảng đá hoặc tấm xi – măng để xếp vào bờ ao giúp cá sấu lên bờ dễ dàng. Tránh không được dùng các hòn đá nhọn nham nhở vì có thể làm xây xát da bụng cá sấu, làm giảm giá trị của tấm da sau này và có thể gây bệnh do nhiễm trùng… Khi nuôi trong ao đất cần chú ý vét bớt bùn và phơi đáy ao dưới ánh nắng mặt trời theo định kỳ để làm tăng quá trình phân giải chất hữu cơ và còn có tác dụng diệt các mầm bệnh.
- Mô hình một ao nuôi cá sấu có đáy đất, bờ được xếp hoặc kè đá và xi – măng, có dòng nước tự chảy vào – ra nhưng vẫn giữ được mức nước cố định… được coi là một mô hình phù hợp nhất đối với các chuồng nuôi cá sấu thương phẩm.
- Nếu điều kiện cho phép có thể xây bể xi – măng chìm để thay cho ao đất. Bể xây không cần sâu quá 75 cm. Nếu trong cùng một chuồng mà có các bể xây ở các độ cao thấp khác nhau thì cá sấu có xu hướng tụ tập đông đúc ở bể phía dưới, trong khi đó bể ở phía trên sẽ bỏ trống không có con nào.
- Tất cả các chuồng nuôi cá sấu đều cần có một khu vực rộng láng xi măng để cá sấu nằm phơi nắng, nhất là khi nuôi với mật độ dày; ngoài ra cũng phải dành đất để trồng cây tạo bóng râm cho cá sấu ẩn nấp.
- Trong chuồng quây để nuôi cá sấu nếu trồng được những cây thân gỗ có tán thấp và rộng sẽ tạo được nhiều bóng râm; cá sấu có thể bò trườn ở phía dưới tán cây mà không gây hại gì cho mầm cây. Số lượng cây trồng trong chuồng bao nhiêu là tùy điều kiện nhưng ít nhất cũng phải một nửa diện tích chuồng nuôi được ở trong bóng râm khi mặt trời ở trên đỉnh đầu. Nên chọn loại cây có lá xanh quanh năm để trồng, tuy thế cũng khó tránh được lá xanh và quả nhỏ rụng xuống lâu ngày sẽ làm bịt kín các đường ống dẫn nước.
2- Mật độ nuôi
Cá sấu được nuôi theo từng lứa tuổi, ứng với mỗi lứa tuổi cần có mật độ nuôi thích hợp. Khi cá sấu nuôi ở lứa 1 – 3 tuổi rất cần có khoảng trống để vận động, mật độ nuôi phải thưa, từ 0,6 – 1 con/m2 ở điều kiện bình thường nếu có điều kiện cho ăn tốt, giữ được vệ sinh chuồng trại và cá sấu được phân loại để nuôi riêng theo cùng một cỡ kích thước thì còn có thể nuôi với mật độ dầy hơn (3 con/m2).
3- Cho ăn và chăm sóc:
- Mục đích của việc nuôi cá sấu thương phẩm là làm sao nuôi được cá sấu lớn nhanh với chi phí thấp. Muốn thế, kỹ thuật nuôi phải tốt, cho cá sấu ăn đủ và thức ăn phù hợp.
- Loại thức ăn: cá sấu là loài ăn thịt nên có thể tận dụng tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật để cho cá sấu ăn.. Tốc độ lớn của cá sấu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đạm động vật cho chúng ăn.
- Một vấn đề khác cũng thường gặp là cá sấu không dễ dàng chuyển từ mồi đã ăn quen sang mồi ăn lạ, dù cho bị bỏ đói. Cá sấu cũng không chịu ăn loại thức ăn có phối trộn nhiều thành phần đã sấy khô hoặc ướp muối. Người ta thường cho cá sấu ăn những loại thức ăn có nguồn gốc động vật như lòng lợn, lòng bò, lòng gà vịt vv… tốt nhất là cá đồng và cá biển, chuột.
- Ơ vùng nhiệt đới, sau 19 tháng nuôi một con cá sấu nước lợ nuôi bằng cá (cá được cắt thành miếng nhỏ), dài trung bình 1,06 m, nặng 4 kg; sau 4 năm dài 2 m, nặng 37 kg. Nếu cho cá sấu ăn thịt bò chúng sẽ lớn nhanh hơn nữa.
Nhu cầu thức ăn của cá sấu nước lợ
Chiều dài tổng cộng của cá sấu(cm)
|
Yêu cầu về thức ăn hàng ngày (g)
|
Nhu cầu thức ăn hàng ngày tính theo % của trọng lượng cơ thể
|
45 – 60
|
80 – 210
|
26
|
61 –90
|
210 – 415
|
20
|
91 – 120
|
415 - 940
|
15
|
121 - 140
|
940 – 1310
|
13
|
141 – 160
|
1310 - 1910
|
12
|
161 - 180
|
1910 - 2430
|
11
|
- Số liệu ở bảng trên cho thấy khi cá sấu càng lớn, hình như lượng thức ăn cho cá sấu ăn hàng ngày có vẻ tăng lên, tuy nhiên trong thực tế nếu tính theo % trọng lượng cơ thể thì nhu cầu thức ăn hàng ngày lại giãm đi.
- Khi cho cá sấu ăn cần dựa vào lượng thức ăn còn lại của chiều ngày hôm trước để điều chỉnh thức ăn cho vừa đủ. Theo dõi nhiều lần cho cá sấu ăn sẽ dần dần đoán biết được nguyên nhân làm cho cá sấu ăn không hết thức ăn, do thức ăn không phù hợp, do thời tiết hoặc do chuồng trại bị xáo trộn gây cho cá sấu hoảng sợ. Cứ cho ăn 4,5 kg cá nước ngọt được 1 kg cá sấu tăng trọng.
- Cách cho ăn: phải cho cá sấu ăn thức ăn tươi, cắt thành các mảnh nhỏ để cá sấu dễ nuốt và không để ruồi nhặng bâu.
- Ở cở nuôi thương phẩm, để đỡ mất công sức khoảng 2 ngày mới cho cá sấu ăn một lần; nhiều người một tuần chỉ cho ăn 5 ngày.
- Nuôi với qui mô nhỏ, khi cho cá sấu ăn người ta đặt thức ăn lên các - tấm ván hoặc các miếng thiếc để dễ dàng quét dọn, di chuyển. Khi đã nuôi ở qui mô lớn thì không thể làm như vậy vì tốn nhiều nhân công. Trong trường hợp này phải xây thành các máng ăn. Máng ăn nên dài, sâu khoảng 10 cm. máng xi măng nhẵn và dốc thoai thoải nối thông với mương tiêu nước.
- Khi quét dọn máng ăn có thể dùng vòi nước để rửa và dung chổi cáng dài để quét dọn. Ở phía tren các máng ăn chừng 80 cm nên căng lưới để không cho chim sà xuống ăn tranh thức ăn của cá sấu…
- Theo nhiều người nuôi cá sấu ở nước ta, lượng thức ăn cho cá sấu ăn hàng ngày là xấp xỉ 1/70 trọng lượng thân và có thể dồn lại mỗi tuần cho ăn 3 lần.
- Khi nuôi cá sấu thương phẩm, cá sấu đực thường lớn nhanh hơn cá sấu cái.
- Điều cần lưu ý khi nuôi cá sấu thương phẩm là nên có một chuồng cách ly để nuôi riêng những con yếu. Ở chuồng cách ly nên dùng nguồn nước riêng, máng ăn phải luôn luôn giữ sạch và có chế độ chăm sóc đặc biệt.. Ngoài ra còn lập một khu riêng có nhiều ngăn chuồng nhỏ để nhốt giữ cá sấu trước khi xuất bán.