Với mong muốn đầu ra ổn định, tránh điệp khúc đụng hàng rớt giá, nhiều nông dân ở huyện Chợ Lách đã mạnh dạng tìm hướng đi mới chuyển đổi giống cây trồng từ năng suất chất lượng kém sang trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao. Và bưởi da xanh được đánh giá là cây trồng tiềm năng được nông dân Mai Ngọc Hải, ấp Quân Bình xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, lựa chọn để chuyển đổi.
Cách nay khoảng 10 năm từ một nông dân có đời sống kinh tế khó khăn, quản lý 4 công đất vườn chuyên canh nhãn tiêu quế, giá cả bấp bênh, thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng. Không để thị trường chi phối, anh Hải mạnh dạng đốn phá vườn nhãn trồng chuyên canh bưởi da xanh. Vốn là loại cây trồng khó tính nên thời gian đầu tiếp cận anh Hải cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật chăm sóc, nhưng qua tham dự các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con nông dân, tham quan các mô hình, học hỏi trên sách, báo, tài liệu, đúc kết kinh nghiệm bản thân và hôm nay anh Hải đã thành công với mô hình trồng bưởi da xanh.
Hiện tại trên diện tích 4 công đất vườn chuyên canh bưởi da xanh (10 năm tuổi) được anh trồng với khoảng cách 5-6 m/cây, mỗi tháng vườn bưởi cho thu hoạch 2 lần, một năm cho khoảng 8 tấn trái, sau khi trừ chi phí gia đình anh Hải có thu nhập hơn 160 triệu đồng. Anh Hải chia sẽ “ So với các loại cây ăn trái khác, bưởi da xanh tuy chăm sóc có nhiều khó khăn hơn nhưng bù lại thị trường bưởi da xanh luôn ổn định, không lệ thuộc vào thời tiết mưa nắng thất thường hay cạnh tranh cùng các địa phương khác. Bưởi da xanh luôn hấp dẫn người trồng, đặc biệt là về giá bán của nó, những lúc cao điểm giá bưởi da xanh lên đến 60 ngàn đồng/kg.”
so với các loại cây ăn trái khác ngoài cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, nó cũng có nhược điểm riêng, như: kén đất, khó trồng, khó chăm sóc và tuổi thọ kém nên không phải ai cũng trồng được. Vì thế nếu người trồng không am hiểu về kỹ thuật cũng khó thành công. Là một nông dân cần cù, nhạy bén, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện canh tác và thổ nhưỡng vườn nhà, anh Hải đã khắc phục được các nhược điểm trên. Hàng năm vườn bưởi da xanh của anh Hải không chỉ cho năng suất, sản lượng cao, thị trường ưa chuộng mà anh còn vinh dự đạt giải nhì Hội thi vườn trái cây xanh-sạch- đẹp- an toàn tại ngày Hội thi Trái ngon an toàn lần thứ 13/2013 do tỉnh Bến Tre tổ chức.
Đạt được những kết quả này, theo anh Hải yếu tố đầu tiên cần quan tâm để trồng thành công bưởi da xanh là phải nắm vững đặc tính sinh trưởng của chúng từ khi nuôi cây con cho đến cây trưởng thành, mỗi một giai đoạn có cách chăm sóc khác nhau. Với kinh nghiệm 10 năm gắn bó với cây bưởi da xanh, anh Hải nhận thấy rằng bưởi da xanh cần bóng râm và không chịu được ánh nắng chiếu thẳng, để khắc phục anh bố trí mật độ trồng hợp lý, trồng xen với một số cây măng cụt tạo bóng râm che mát cho bưởi. Trong vườn để cỏ, mực nước trong mương để trên 7 tất, mùa nắng mỗi ngày tôi tưới nước một lần. Về phân bón anh sử dụng phân hữu cơ Tư Thạch là chủ yếu, bình quân 01 công đất một tháng tôi rãi 02 bao phân hữu cơ, một năm sử dụng khoảng 01 tấn. Đồng thời theo từng thời điểm kết hợp phân hóa học để bón cho cây, định kỳ khoảng 10 ngày rãi phân hóa học một lần, rãi xen kẽ với phân hữu cơ. Về cách bón phân hóa học, khi cây bưởi còn nhỏ bón phân có nhiều đạm > lân > kali; khi cây có trái (trái còn nhỏ) cân đối đạm = lân = kali; khi cây cho trái lớn chuẩn bị thu hoạch bón kali > đạm > lân.
Bưởi da xanh tuy cho hiệu quả kinh tế cao nhưng rất dễ bị nhiễm sâu bệnh, hiện tại bưởi da xanh đang chịu tác động mạnh bởi sâu đục trái, một khi vườn bưởi bị nhiễm sâu đục trái nặng nông dân thường chọn cách đốn bỏ để thay thế các loại cây trồng khác. Riêng nông dân Mai Ngọc Hải vấn đề phòng trừ sâu bệnh không khó, cách làm đơn giản phòng trừ sâu bệnh theo hệ thống tưới phun bằng van đánh tự động nhưng anh Hải thấy hiệu quả rất nhiều. Anh Hải chia sẽ “ mầm bệnh phát ra từ các loài bướm đi ăn đêm, mỗi khi trời tối phát hiện ở các vườn lân cận có bướm xuất hiện, tôi mở nước tưới bằng hệ thống tưới phun van đánh tự động trong thời gian khoảng 15-20 phút làm cho vườn ẩm ướt khi đó tôi thấy vườn bưởi nhà mình không bị bướm tấn công( bướm không thích nghi với độ ẩm cao) và trái bưởi không bị nhiễm sâu đục trái. Hiện nay tôi vẫn quản lý sâu bệnh bằng biện pháp này và tôi đã thành công.”
Đối với hệ thống tưới phun bằng van đánh tự động được anh Hải lắp đặt khoảng cách 15 mét /van, bình quân 01 công đất lắp 6 van, chi phí ban đầu bỏ ra khá nhiều nhưng đầu tư 01 lần có thể sử dụng trong 10 năm. Lợi ích của hệ thống tưới phun bằng van đánh tự động so với những cách tưới thông thường khác mang lại lợi ích khá nhiều vừa lợi công, tiết kiệm điện, nước tưới, thời gian và còn quản lý tốt được sâu bệnh.
Bưởi da xanh luôn được đánh giá là loại cây trồng chất lượng, năng suất cao và lợi nhuận hấp dẫn kích thích nông dân vươn tới nhưng vấn đề chăm sóc, quản lý sâu bệnh không hề đơn giản đòi hỏi nông dân phải tiếp cận và chịu khó quan sát với loại cây trồng khó tính này. Riêng nông dân Mai Ngọc Hải đã thành công, từ diện tích 4 ngàn mét vuông bưởi da xanh gia đình anh có thu nhập hơn 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện tại gia đình anh có cuộc sống ổn định vươn lên làm giàu từ cây bưởi da xanh./.