Nhiều năm qua, cứ mùa lũ nhiều hộ nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) lại sắm đăng quầng lưới nuôi TCX trên mặt ruộng cho lợi nhuận cao, gần 100 triệu đồng/ha.
Những tháng mùa lũ ở các huyện đầu nguồn từ Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông đến Cao Lãnh, Tháp Mười… đâu cũng thấy những cánh đồng trắng xóa nước. Huyện Tam Nông là trung tâm nuôi TCX trong ruộng lúa mùa nước nổi quy mô lớn nhất tỉnh.
Năm nay, toàn huyện Tam Nông có 80 hộ nuôi 603 ha TCX, tập trung chủ yếu ở 6 xã, thị trấn gồm Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, An Long, Phú Ninh và thi trấn Tràm Chim. Hộ nuôi ít nhất 1 ha và nhiều nhất 15 ha.
Ông Hồ Quốc An, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết: "Diện tích nuôi tôm mùa lũ năm nay giảm khoảng 5 ha so với năm rồi, do người dân lo ngại đầu tư nuôi tôm không có nước lũ sẽ bị lỗ giống như năm ngoái. Bên cạnh đó là chi phí đầu tư nuôi tôm quá cao, trong khi giá giống và tiền thức ăn thủy sản tăng...".
Năm nay người dân nhận định nước lũ về nhiều, nhưng từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 thì ở mức trung bình. Theo ông An, đến nay các hộ nuôi tôm trong huyện rất yên tâm vì có đủ nước, nuôi tôm mau lớn, nguồn thức ăn cho tôm được săn bắt ngoài tự nhiên rất phong phú nên giảm giá thành SX".
Nhiều bà con nuôi tôm ở Tam Nông cho biết, năm nay rất vất vả trong khâu bảo vệ và chăm sóc tôm do lũ nhỏ, nhưng bù lại có thể nuôi số lượng lớn, tôm tăng trưởng nhanh, đồng đều và bán được giá, lợi nhuận hấp dẫn. Bình quân 1 ha nuôi đạt năng suất từ 1,2 - 1,5 tấn tôm thương phẩm. Với giá bán hiện nay thì người nuôi thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, vào giữa vụ, có một số hộ đã thu tỉa bán tôm trứng trước. Anh Dương Văn Diễn ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B cho biết, anh nuôi TCX mùa lũ đến nay đã năm thứ 9. Nuôi mùa lũ có lãi cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Năm nay, với diện tích 16,5 ha, thả với mật độ từ 12 - 15 con/m2, nuôi 2 - 3 tháng đầu bắt đầu thu tôm tỉa bán gần 7 tấn với giá 110.000 - 120.000 đồng/kg để bù vào tiền mua thức ăn cho tôm còn lại trong ao. Sau khi nuôi TCX khoảng 5 tháng, anh Diễn có thể thu lãi gần 450 triệu đồng.
Còn ông Hứa Văn Điển ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B chia sẻ, ông đã có 11 năm trong nghề nuôi TCX mùa lũ. Năm nay gia đình ông nuôi 7 ha. Tôm phát triển nhanh, ít bệnh. Đến thời điểm này đã có nhiều Cty thủy sản ở TP.HCM xuống tận nhà xin ký hợp đồng thu mua tôm thương phẩm.
Theo ông Điển, mực nước năm 2014 bằng năm ngoái, tuy nuôi tôm vất vả, nhưng bảo vệ tốt thì lợi nhuận không kém vụ rồi. Vụ này ông ước đạt sản lượng thu hoạch khoảng 10 tấn tôm cho lợi nhuận gần 230 triệu đồng.
Nhiều thách thức
Với chất lượng thịt thơm, ngon, bổ dưỡng… TCX là một trong những mặt hàng chiến lược xuất khẩu tiềm năng trong tương lai. Nhiều thị trường đang quan tâm đến mặt hàng này, tuy nhiên để TCX có chỗ đứng còn là quãng đường dài.
Nhiều chuyên gia trong ngành còn đánh giá, TCX hoàn toàn có tiềm năng, lợi thế để vươn ra thế giới, nhưng điều này cũng không dễ dàng. Trước mắt phải chuẩn bị được nguồn tôm bố mẹ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như mở rộng nuôi trong tương lai nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Bởi hiện nay sản lượng TCX nuôi hàng năm chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đồng thời, cũng phải tìm hiểu nhu cầu thị trường đối với mặt hàng này để từ đó có những bước đi thích hợp.
Nuôi TCX có nhiều thuận lợi hơn so với các đối tượng nuôi khác bởi loài này cần ít vốn đầu tư, ít rủi ro (so với nuôi cá tra hay các loài cá khác), giá cả khá ổn định; kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể áp dụng ở nhiều quy mô khác nhau như nuôi trong mương vườn, trong ao bằng biện pháp thâm canh, bán thâm canh, nuôi ghép với các đối tượng cá khác, nuôi trong đăng quầng, nuôi trong ruộng lúa (đặc biệt là mùa lũ). Mô hình nuôi đa dạng là một thuận lợi vì người nuôi có thể xem xét mô hình nào phù hợp trong điều kiện thực tế của mình.
Có thể nói, nghề nuôi TCX ở Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL, song vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển của nghề này. Chẳng hạn như chất lượng con giống chưa được quan tâm đúng mức; các vấn đề nghiên cứu cơ bản (như dinh dưỡng, thức ăn chuyên biệt, hệ thống nuôi, tương tác xã hội trong loài tại điều kiện địa phương (giữa tôm đực cành xanh, càng cam, tôm đực nhỏ và tôm cái) ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi ra sao còn chưa được tìm hiểu thấu đáo; đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập…