Tổng diện tích trồng thanh long ở Việt Nam khoảng 25000ha, trong đó ở Bình Thuận thanh long trở thành ngành trồng trọt mũi nhọn, xuất khẩu thanh long chiếm 1/3 GDPnông nghiệp, tỉnh có tới 18.616 ha (số liệu cuối 2011), Tiền Giang 3000ha, Tây Ninh, Long An và đang trồng ở Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội,…
Thanh long là cây ngày dài, chỉ ra hoa trong điều kiện ngày dài (vụ xuân-hè). Từ tháng 9 đến tháng 2 (vụ thu đông) là giai đoạn ngày ngắn các vùng trồng đều phải chiếu sáng bổ sung tạo thanh long trái vụ phục vụ thị trường tết có giá bán cao hơn nhiều lần so với chính vụ. Tùy theo giống và tùy vào tuổi của cây, thời gian chiếu sáng cho cây có thể kéo dài từ 15-21 ngày mỗi đợt, trung bình là 3 đợt/năm. Thời gian chiếu sáng mỗi đêm là 7-8 tiếng (từ 21-22h đến 5-6h sáng hôm sau). Mỗi hecta thanh long dùng 1200 bóng, công suất 60w thì lượng điện năng tiêu thụ trong một đợt chiếu sáng như sau: 1200 bóng x 60w x 8 giờ x 15 đêm = 8.640Kwh/đợt, tương ứng với 26.000KWh/năm (3 đợt). Tổng lượng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng cây thanh long nói riêng tại tỉnh Bình Thuận cho mỗi đợt chiếu sáng là 6.000ha x 8.640 KWh = 51.840.000 KWh (51.840 MWh) và xấp xỉ 155.000 MWh/năm.Đây là số điện năng khổng lồ vượt qua khả năng cung ứng điện năng của ngành điện lực Bình Thuận. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các vùng trồng thanh long khác như Tiền Giang, Tây Ninh, Long An.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện thấy điều bất hợp lý là thời gian chiếu sáng trong ngày chỉ giảm đi một hai tiếng khi vào mùa đông so với mùa hè tại sao lại phải chiếu ánh sáng bổ sung tới 7-8 tiếng? đồng thời nhận thấy cơ chế điều khiển sự ra hoa thông qua ánh sáng thực chất là phản ứng của một phức hợp sắc tố - protein gọi là phytochrom. Sắc tố này sẽ hấp phụ những ánh sáng rất chuyên biệt ở bước sóng rất cụ thể thuộc vùng đỏ (R:660nm) và đỏ xa (FR:730nm)
Biểu đồ thể hiện bước sóng vùng phổ R và FR
và tồn tại ở hai dạng có thể chuyển hóa sang nhau. Phytochrom R sẽ nhận ánh sáng đỏ có trong ánh sáng mặt trời chuyển hóa nhanh thành Pfr. Còn Pfr sẽ nhận ánh sáng đỏ xa (FR) để chuyển thành Pr. Thời gian đêm sẽ thúc đẩy sự phân hủy Pfr thành Pr. Đêm dài sẽ giúp phân hủy Pfr triệt để.
Để cây ngày dài (cây thanh long) ra hoa được thì cần phải tích lũy được một lượng Pfr nhất định cho nên cần thời gian ngày dài và thời gian đêm ngắn để có đủ lượng Pfr thúc đẩy sự ra hoa. Như vậy, nếu chế tạo được thiết bị chiếu ánh sáng phù hợp với phổ hấp phụ của Pr để thúc đẩy hình thành Pfr thì việc xử lý thanh long ra hoa chắc chắn sẽ hiệu quả hơn các loại đèn khác, thời gian chiếu sáng sẽ ngắn đi, năng lượng chiếu sáng sẽ được tiết kiệm hơn. Mặt khác, theo học thuyết quang chu kỳ, sự chiếu sáng nếu đúng phổ hấp phụ của phytocrom vào thời gian đêm sẽ có tác dụng rất mạnh mẽ đến sự thúc đẩy ra hoa, thời gian chiếu sáng quang gián đoạn giữa đêm theo lý thuyết là rất ngắn.
Dựa trên cơ sở khoa học này các nhà khoa học Nông–Sinh học cùng các nhà chế tạo thiết bị chiếu sáng đã cho ra đời loại đèn led chuyên dụng chiếu đúng các bước phổ cẩn thiết cho cây thanh long như đã nói ở trên và đang tiến hành nhiều thực nghiệm ở nhiều vùng từ Bình Thuận cho đến Tây Ninh chúng tôi sẽ cập nhật kết quả thực nghiệm lên website sau khi có những kết quả đánh giá chi tiết