Cuốn sách Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế (NXB Khoa học Xã hội) của tác giả Phạm S - vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học - đã đúc kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo sản xuất, nghiên cứu khoa học, tham gia hàng chục hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Cuốn sách ra đời đúng vào thời điểm cả nước đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là tài liệu thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, các nhà sản xuất và quản lý và nghiên cứu ở lĩnh vực này. Cuốn sách gồm tám chương, đi sâu phân tích làm sáng tỏ cơ sở khoa học về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nêu khái quát nhiều thông tin bổ ích về công nghệ cao; phân tích các chính sách ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao mang tính đột phá và đồng bộ; xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản; xây dựng và phát triển nông sản chủ lực quốc gia của một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
Tác giả Phạm S là người trực tiếp nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam mà còn nghiên cứu thực tế và làm việc với các chuyên gia suốt 10 năm qua tại hàng chục quốc gia đã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thành công trên thế giới. Tính tất yếu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn là con đường duy nhất để hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản trên thị trường quốc tế. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhân lực, cần đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới có tính thực tiễn cao và chính sách mang tính đột phá, nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong những năm tới, chủ động hội nhập quốc tế, đó là nhận định của tác giả Phạm S được nêu trong cuốn sách. Song song với những kết quả nghiên cứu giới thiệu về những công nghệ vượt bậc đã tạo nên những thương hiệu nông sản của các quốc gia có tầm ảnh hưởng quốc tế, tác giả còn khái quát quá trình triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp sát thực tế khi triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả ở Việt Nam.
Việc tác giả giới thiệu những thông tin khái quát về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại các quốc gia đã thành công trên thế giới như Nhật Bản, Hà Lan, I-xra-en...thể hiện kiến thức và sự dày công nghiên cứu của mình. Ông còn đưa ra những khảo sát, nghiên cứu về các mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam và kết quả đạt được, là những kiến thức thực tiễn hết sức cần thiết cho các nhà sản xuất. Những bài học thành công của một số đơn vị, mô hình trong nước như Công ty Agrivina tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn TH True Milk Nghệ An, Công ty sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Đà Lạt GAP... có thể gợi mở ra nhiều hướng tiếp cận công nghệ sinh học ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng phân tích những khó khăn và đưa ra những giải pháp ở tầm vĩ mô và cả vi mô trong việc ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách có tính phổ cập rộng: làm tài liệu tham khảo giảng dạy cho các trường đại học nông nghiệp, các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, là tư liệu quý cho cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI và nông dân tham khảo ứng dụng ngay trên mảnh đất của mình.
Cuốn sách Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu để hội nhập quốc tếcó thể được xem như một cẩm nang khi thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam.